Phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 15 chiều 2/12, nhắc đến việc xử lý kỷ luật một số tổ chức cá nhân sai phạm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói: "Phải xử lý kỷ luật như vậy rất là đau, rất là buồn, nhưng khi có sai sót thì phải đánh giá công bằng và phải xử lý kỷ luật".
Ông yêu cầu các cán bộ, thời gian tới nếu thấy ai có nguy cơ phạm sai lầm, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật của Đảng hoặc quy chế của Nhà nước thì nên nói với nhau chân tình.
"Đừng để đến mức bị kỷ luật rồi mới ngồi lại với nhau, mới nói lại. Vì không có ai vi phạm mà chỉ có một mình biết, bao giờ cũng có người khác biết, thậm chí tham gia việc đó. Bài học ở đây là cố gắng trao đổi sớm với nhau", người đứng đầu Thành ủy TP HCM chia sẻ.
Trước đó, Thành ủy TP HCM công bố kỷ luật một loạt cán bộ thuộc diện quản lý của Thành ủy. Trong đó có 15 cá nhân nhận các hình thức kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo - là những người từng giữ đến các chức vụ bí thư, giám đốc.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, cơ chế đặc thù mà Quốc hội vừa thông qua tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức để thành phố triển khai trong 3 năm tới; cần làm cho hiệu quả, đòi hỏi cán bộ phải năng động. Sắp tới, thành phố phải rà soát tình hình cán bộ khối chính quyền quản lý, để bố trí nhân sự cho đúng.
"Từ nay đến năm 2018 sẽ triển khai sắp xếp lại cán bộ một số nơi. Trước hết là hệ thống chính quyền, làm sao đủ sức ngang tầm với đòi hỏi của Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP HCM", ông Nhân nhấn mạnh.
Theo ông Nhân, khi Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù (cho phép thành phố được tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức 1,8 lần lương) đã yêu cầu thu nhập tăng lên gắn với hiệu quả lao động.
"Thành phố sẽ có đề án cụ thể về việc này và trình Quốc hội. Song song đó, thành phố sẽ tổ chức áp dụng cho từng đơn vị, phải có quy trình chứ không cào bằng", ông Nhân khẳng định.
Trước ý kiến về cơ chế đặc thù sẽ giúp TP HCM có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế nhưng cũng khiến thành phố chịu áp lực dân số tăng cao, ông Nhân nói rằng "không thể ngăn người dân địa phương khác đến, đó là tự do".
Ông đưa ra biện pháp, các địa phương sản xuất nông nghiệp là chính, thành phố cần giúp các tỉnh đạt hiệu quả cao, người dân ở đó nâng cao thu nhập sẽ không đến TP HCM sinh sống.
ĐH Quốc gia TP HCM đã tổ chức các đoàn khảo sát ở miền Tây Nam Bộ về nhu cầu các thiết bị phục vụ nông nghiệp, cây trồng vật nuôi... Thành phố hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cho Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
"Nếu làm được việc này, nông nghiệp các tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, người dân bớt áp lực phải đi lại", ông nói và cho rằng về lâu dài, cơ cấu kinh tế của thành phố sẽ chuyển dần sang công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ, nhu cầu lao động giảm đi, từ đó giảm áp lực dân số.