Ngày 27/5, ông Dương Văn Phong (46 tuổi, trú phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tiếp tục huy động nhân công, phương tiện cất bốc, an táng hàng trăm bộ hài cốt bên dưới phần đất của gia đình.
Hơn một tuần trước, ông Phong đã nhờ một người đàn ông 40 tuổi ở phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) đến nhà tìm hài cốt. Người đàn ông này đến nhà ông Phong và đánh dấu 5 vị trí.
Ông Phong sau đó huy động hàng chục người cùng xe múc để đào sâu xuống 5 hầm.
Từ ngày 19/5 đến hết ngày 27/5, gia đình ông Phong đào được 5 hầm mộ tập thể ở trong sân, quanh vườn và đã cất bốc được 187 bộ hài cốt. Cụ thể, số hài cốt ở các hầm một tập thể được đánh dấu từ 1 đến 5 lần lượt là 41, 19, 27, 37 và 63 bộ.
Ông Phong sau đó đã lấy các mẫu xương gửi đến Trung tâm Giám định Sinh học Pháp y - Viện Khoa học Hình sự của Bộ Công an để xét nghiệm ADN.
"Chúng tôi muốn xác định rõ những bộ hài cốt này được chôn cất trong thời gian nào và để hiểu thêm lịch sử, văn hóa của vùng đất nơi mình đang sinh sống", ông Phong nói.
Theo thông tin ban đầu từ Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), những mẫu xương được ông Phong gửi đến đều đã phân hủy hơn 150 năm trước, không thể tiến hành các xét nghiệm cần thiết.
Một số người cao tuổi ở phường Quảng Thuận cho rằng những bộ hài cốt dưới phần đất gia đình ông Phong có thể là hài cốt của những nghĩa quân tham gia chống Pháp trong phong trào Cần Vương.
Phần đất hiện thuộc gia đình ông Phong được cho là nghĩa địa cũ của làng Thổ Ngọa (nay là phường Quảng Thuận và một phần địa phận phường Quảng Thọ), nơi an táng của nhiều nghĩa quân thời chống Pháp từ sau năm 1858.
Số hài cốt đã được gia đình ông Phong đưa về an táng tại nghĩa trang phường Quảng Thuận. Hiện gia đình tiếp tục huy động người và phương tiện để đào thêm hầm dưới nền nhà, xung quanh vườn.