Đặc biệt, vảy của con rắn chuyển qua xanh lam và xanh lục dưới ánh sáng, các lớp vảy nhỏ, có vân và có hoa văn kỳ lạ. Các nhà khoa học sau đó nhận ra loài rắn này chưa từng được biết đến trước đây.
"Đó là một khoảnh khắc thực sự thú vị", Aryeh Miller, một trong những nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ, cho biết. "Hình dạng của nó trông rất khác lạ. Trên thực tế, nó khác biệt đến mức chúng tôi không biết ngay đó loài gì".
Các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu của họ trên tạp chí Copeia hôm thứ Hai.
Đáng chú ý, con rắn không có cơ quan thụ cảm ánh sáng trong mắt, điều này chỉ ra rằng nó có thói quen đào hang dưới đất hoặc sống bên dưới thảm thực vật. Những loại rắn này đặc biệt khó tìm do chúng sống ẩn mình rất kỹ.
Sau khi phân tích, các nhà khoa học cho rằng con rắn này thuộc một loài thuộc chi Achalinus quý hiếm vì lớp vảy của chúng trải ra thay vì chồng lên nhau như hầu hết các loài rắn. Cho đến nay, chỉ có 13 loài được biết đến trong chi Achalinus , 6 trong số đó đến từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Quảng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: “Trong 22 năm khảo sát các loài bò sát ở Việt Nam, tôi mới chỉ bắt gặp được 6 con rắn thuộc chi Achalinus. Đây là một trong những nhóm bò sát được nghiên cứu ít nhất".
Các nhà nghiên cứu hy vọng loài rắn mà họ đặt tên là Achalinus zugorum có thể lấp đầy khoảng trống đó. Chi Achalinus phân nhánh sớm hơn các chi rắn khác, có nghĩa là chúng có hình dáng và hành vi rất khác so với nhiều loài rắn và có thể mang thông tin quan trọng về sự tiến hóa của loài.
Sau khi khảo sát ban đầu, các nhà nghiên cứu đã mang mẫu vật trở lại Mỹ, nơi họ lấy mẫu và giải trình tự DNA của con rắn trước khi được đưa trở về Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cũng nêu rõ những nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học và hệ sinh thái của Việt Nam, như hoạt động khai thác đá, phá rừng và săn bắt quá mức các loài.
Những khám phá như vậy có thể cung cấp thông tin tốt hơn cho các chính sách bảo tồn và chiến lược quản lý và là cách duy nhất để "đảm bảo sự tồn tại lâu dài của những loài rắn bí ẩn này khi đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu", theo nhóm nghiên cứu.