Đề án hướng đến đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề trong quá trình làm việc, nghiên cứu, học tập, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo tiền đề cho việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kỹ năng nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Đề án hướng đến nâng cao năng lực cho cán bộ, nhà giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội được phát triển kỹ năng mềm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp; góp phần thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối tượng thực hiện Đề án là thanh niên, học sinh, sinh viên đang học chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và cán bộ quản lý, nhà giáo đang làm việc, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Một số mục tiêu cụ thể của Đề án là: 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 10.000 lượt cán bộ quản lý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức, kỹ năng mềm nhằm nâng cao năng lực, hình thành đội ngũ nhà giáo, chuyên gia đào tạo, phát triển kỹ năng mềm.
Cùng với đó là mục tiêu nghiên cứu mô hình, tổ chức thí điểm đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên tại 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc (dự kiến thí điểm đào tạo, phát triển cho khoảng 15.000 lượt thanh niên, học sinh, sinh viên). Phấn đấu đến hết năm 2030, 100% các trường cao đẳng, 80% các trường trung cấp, 50% các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tố chức đào tạo, lồng ghép đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Hình thành mạng lưới, liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên.
Đề án được triển khai tại các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc, thời gian thực hiện đến năm 2030.
Đề án cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên, học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, nhà giáo và các cơ quan, tổ chức về đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác đào tạo, phát triển kỹ năng mềm; nghiên cứu mô hình, thí điểm đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đào tạo, phát triển kỹ năng mềm...
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị thường trực của Đề án, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; xây dựng, biên soạn các nội dung khung chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên và bộ chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, nhà giáo...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu trình UBND cấp tỉnh kế hoạch triển khai tại địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai theo giai đoạn và từng năm của đơn vị; tổ chức triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh...