Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học máy tính và giáo dục từ Vương quốc Anh (Đại học Birmingham City, Đại học Nottingham Trent) và Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Dự án cũng sẽ phối hợp với các trường học và nhà giáo dục tại Việt Nam để cùng phát triển các hoạt động sư phạm và xây dựng nguồn lực để thử nghiệm các công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất.
Đây là một dự án liên ngành, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, cũng như tập trung phát triển các hoạt động cho giáo viên và học sinh từ nhiều khu vực khác nhau về việc sử dụng các công cụ AI để giảng dạy và học tập. Dự án áp dụng ba công cụ chuyên biệt là AI đàm thoại, mô hình ngôn ngữ lớn và hệ thống nhận dạng cảm xúc đa phương thức để thử nghiệm với giáo viên và học sinh tại sáu trường phổ thông tại Việt Nam.
TS. Vanessa Cui, Nghiên cứu viên Cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Thực hành và Văn hóa trong Giáo dục (CSPACE), Đại học Thành phố Birmingham cho biết: “AI được ứng dụng ở đây không chỉ là AI tạo sinh mà nhiều nơi đang sử dụng. Các công cụ AI được ứng dụng tại đây đa dạng và toàn diện hơn. Đối tượng mà dự án muốn hướng tới là đa dạng các vùng miền như thành phố, miền núi, nông thôn".
TS. Vanessa cũng cho rằng, trong quá trình làm việc, nhóm nghiên cứu cũng mong muốn có các tương tác, phản hồi của các thầy cô giảng dạy, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Dự án tập trung vào tính toàn diện - được coi là một trong những mục tiêu chính của chuyển đổi số trong giáo dục, ưu tiên cung cấp cho các trường học và học sinh ở vùng nông thôn quyền truy cập vào các công nghệ số mới nhất và phát triển khả năng đọc viết và năng lực số cho giáo viên và học sinh từ các nhóm giới tính khác nhau. Các kết quả của dự án này sẽ được phát triển thành những nguồn tài nguyên cho các nhà giáo dục và nhà nghiên cứu; đồng thời cung cấp thông tin về lộ trình và những khuyến nghị về phát triển bền vững công nghệ mới trong giáo dục.