Với Kumo, Yosakoi là một hình thức nghệ thuật biểu đạt, nơi các vũ công truyền tải ý tưởng, cảm xúc và câu chuyện qua từng điệu nhảy. Những câu chuyện hấp dẫn được kể qua vũ đạo, âm nhạc và trang phục, mang đến cho khán giả những trải nghiệm phong phú và góc nhìn sâu sắc, dẫn dắt người xem hòa mình vào nhiều cung bậc cảm xúc và những biến chuyển của câu chuyện trong mỗi màn trình diễn.
Bài diễn năm 2024 của Kumo mang tên "Thiên Linh Diệm Vũ" vẫn trung thành theo phong cách này. "Thiên Linh Diệm Vũ" lấy ý tưởng dựa trên một sự kiện có thật tại Nhật Bản từ thời Tenmei (1781-1788), vùng Yatsushiro bị hạn hán nghiêm trọng trong ba năm khiến cuộc sống nơi đây trở nên đói kém khổ cực. Những người nông dân trong làng đã leo lên ngọn núi Ryuho và đánh trống để cầu mưa trong suốt ba ngày ba đêm. Lắng nghe lời nguyện, đến một ngày trời bỗng chuyển mây mù, mang theo mưa lớn phủ xuống vùng đất này. Mùa màng được cải thiện, sự sống quay về. Thôn làng đã nhảy múa trong khi vẫy ống tre chứa năm đến sáu đồng xu ichimonsen để bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với các vị thần trên trời. Sự kiện đan xen các yếu tố về thiên tai khó lường, cuộc sống con người với ước mơ đơn thuần là ấm no đủ đầy, cũng như niềm tin vào tín ngưỡng và các thần linh đã cứu vớt tinh thần họ trong giây phút khốn cùng.
Tác phẩm in khắc gỗ của Kunichika (1835-1900) khắc họa cảnh nhà thơ Ono no Komachi cầu mưa, trong bối cảnh Nhật Bản đang chịu hạn hán nghiêm trọng. |
Nếu nhìn sâu vào văn hóa Nhật Bản, những truyền thuyết và tác phẩm về việc cầu mưa ở quốc gia này vô cùng phổ biến và sâu sắc. Chúng thường được truyền miệng qua các thế hệ và xuất hiện trong nhiều hình thức nghệ thuật, như văn học, hội họa, biểu diễn nghệ thuật, tôn giáo và nghi lễ... Việc cầu mưa không chỉ là một chủ đề phổ biến mà còn thể hiện chiều sâu tâm linh và văn hóa của người Nhật, tạo thành một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc xứ sở mặt trời.
Trao đổi với Ngày Nay, đại diện Kumo chia sẻ: "Nhật Bản, quê hương của Yosakoi là nơi có nền văn hóa truyền thống đặc sắc, cùng kho tàng phong phú truyện kể về thần linh, yêu quái và các hiện tượng kỳ bí. Trong quá trình tạo nên bài múa, Kumo Yosakoi mong muốn có thể khai thác sâu hơn những nét văn hoá truyền thống đặc sắc này."
Bài múa mở đầu với âm thanh ngột ngạt, rệu rã u buồn. Những người dân khốn cùng trong trang phục cam và xanh lá - tượng trưng cho màu của đất và cây - xuất hiện, họ ôm mặt gục ngã, những cánh tay với lên trời cao như muốn tìm lối thoát cho cuộc sống bế tắc thì vắng bóng những hạt mưa. Âm vang dồn dập của buổi cầu nguyện cùng động tác chắp tay khấn vái thành khẩn đã truyền tải một cách chân thực xúc cảm bức bối của thôn làng cho khán giả.
Hai nhân vật chính của "Thiên Linh Diệm Vũ" là Đại Thiên Cẩu và Bất Tri Hoả, hai khái niệm trong văn hóa và tín ngưỡng dân gian, thường liên quan đến các hiện tượng tự nhiên và thần thoại.
Đại Thiên Cẩu là là một sinh vật huyền bí trong văn hóa Đông Á, có khả năng gây ra thiên tai, đặc biệt là động đất và bão tố. Đại Thiên Cẩu thường tượng trưng cho sự không ổn định của tự nhiên và được xem là một dấu hiệu cảnh báo cho con người.
Còn Bất Tri Hỏa là một loại lửa không thể nhìn thấy hoặc không thể kiểm soát, thường được liên kết với các hiện tượng huyền bí trong văn hóa dân gian, biểu thị cho sự bí ẩn và sức mạnh vô hình, thường xuất hiện trong các truyền thuyết về ma quái và phép thuật.
Trong "Thiên Linh Diệm Vũ", Đại Thiên Cẩu là yêu, sau trở thành vị thần được lập đền trên núi cao. Tính cách hắn ngông cuồng háo thắng, thích trêu chọc phá phách người dân. Có nhiều ngôi đền thờ Đại Thiên Cẩu được người dân lập ra để cầu nguyện với mục đích cầu may mắn, tiền tài, mưa thuận gió hòa.
Trang phục trong bài nhảy được Kumo Yosakoi chú trọng thiết kế dựa theo các tư liệu hình ảnh và truyền thuyết, rằng Đại Thiên Cẩu thường ăn mặc như một Yamabushi (cao tăng cư sĩ ẩn mình trên núi cao) với chiếc mặt nạ đỏ mũi dài quen thuộc. Màu chủ đạo của trang phục là xanh lá, màu của núi rừng kỳ vĩ.
Bất Tri Hỏa trong "Thiên Linh Diệm Vũ" là người con gái kiều diễm, bí ẩn lặng lẽ, cùng năng lực điều khiển lửa mang tính chất đặc trưng của hiện tượng trên. Không ai rõ đó là lửa thật hay ảo ảnh. Có tư liệu nói những ánh lửa thực ra là ánh đèn dụ cá của đoàn thuyền đêm ngoài xa, cũng có nơi nói Bất Tri Hỏa xuất hiện vào tháng 8 hàng năm, vào ngày người dân tổ chức lễ hội liên quan đến thu hoạch mùa màng. Vậy nên trong câu chuyện, nàng đứng về phía người dân, cũng tượng trưng cho sự ấm áp no đủ, luôn cố gắng vì cuộc sống mưu sinh.
Kumo đã xây dựng Bất Tri Hỏa với bộ Kimono truyền thống Nhật Bản được cách điệu, kín đáo và trang nhã. Bộ đồ nổi bật với lớp ngoài màu đỏ (màu của lửa) và lớp tà trắng thanh khiết nhẹ nhàng (màu trang phục trong ngày lễ hội mùa màng). Nàng sử dụng hai chiếc quạt hai mặt tượng trưng cho hai trạng thái của ngọn lửa, khi bập bùng trên biển (mặt xanh) và khi nhân lên dữ dội (mặt đỏ). Giây phút màn khiêu chiến giữa Bất Tri Hỏa và Đại Thiên Cẩu được khơi mào, mặt quạt được lật lên, khắp sân khấu đều bị bao phủ bởi màu lửa đỏ.
Trong suốt quá trình sản xuất trang phục, từng chi tiết, phụ kiện từ hoa đầu, mặt nạ, tokin, quạt, sự cải biên túi đựng quạt thành dải shigoki nữ tính, từng mảnh rinpo trên dải yuigesa của Yamabushi đều được nghiên cứu kỹ lưỡng về kiểu dáng và ý nghĩa, đặc biệt hơn là được tự tay thiết kế, thử nghiệm và gia công bởi chính các thành viên của Kumo Yosakoi.
Trước nguy cơ ngôi đền thờ trên núi bị lửa của Bất Tri Hỏa đốt cháy, Đại Thiên Cẩu đã hô mưa gọi gió, gắng xua những ngọn lửa đèn trời dạt đi. Rồi sấm đánh rền vang, mưa ào ào đổ xuống trong những tiếng hò reo vỡ òa hạnh phúc của người dân. Không ai biết được chuyện gì đã xảy ra đằng sau cơn mưa đổ xuống, họ chỉ biết rằng dường như lời cầu nguyện của họ đã được đáp lại, khi những cơn mưa về lại vùng đất này.
Bài nhạc pha trộn giữa nhạc cụ truyền thống và tiếng guitar điện hiện đại, đan xen với tiếng gõ mõ tụng kinh, tiếng chuông ngân vang đặc trưng của đền chùa đã góp phần tạo nên không khí linh thiêng nơi núi rừng. Khán giả đã được dẫn dắt đi đến nhiều cung bậc cảm xúc của từng phân cảnh. Từ trĩu nặng thê lương trong khung cảnh khốn cùng của thôn làng, đến mạnh mẽ pha chút kỳ bí khi Đại Thiên Cẩu xuất hiện, dặt dìu và có phần bí ẩn, phức tạp của Bất Tri Hỏa, hay phân đoạn giao tranh đầy kịch tính giữa đôi bên, và cuối cùng là vỡ òa mừng vui của người dân khi mưa xuống.
Tháng 3/2024, Kumo Yosakoi đã lần đầu ra mắt bài nhảy "Thiên Linh Diệm Vũ" tại Lễ hội Việt Nam Yosakoi 2024 tại Hà Nội, như một cách để bày tỏ sự mến mộ, yêu thích với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của nước bạn. Đại diện đội bày tỏ: "Thông qua câu chuyện, âm nhạc, vũ đạo, trang phục, phụ kiện, Kumo Yosakoi mong rằng có thể giúp người xem yosakoi tại Việt Nam nói riêng, tại khắp nơi trên thế giới nói chung, có thể tiếp cận và hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp và sự phong phú của văn hoá Nhật Bản."
Tháng 8 tới đây, với sự bảo trợ của Trung tâm Thông tin UNESCO - Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, đội nhảy Kumo Yosakoi sẽ chính thức đem bài diễn "Thiên Linh Diệm Vũ" đến với sân khấu của Harajuku Omotesandou Genki Matsuri Super Yosakoi 2024, một trong những Lễ hội thường niên lớn nhất Tokyo.
Việc một đội múa Việt Nam sử dụng hình thức biểu đạt nghệ thuật Yosakoi của Nhật Bản để kể một câu chuyện lấy cảm hứng từ dân gian Nhật Bản và biểu diễn trước khán giả bản địa là một thách thức thú vị và đầy ý nghĩa. Lễ hội sắp tới được kỳ vọng mang đến một hành trình khám phá và giao thoa văn hóa độc đáo giữa hai đất nước. Sự kiện sẽ diễn ra trong liên tục hai ngày 24&25/08/2024 tại Tokyo.