6 giờ sáng nay, Hà Nội giãn cách xã hội, một lần nữa. Đêm qua tôi mở máy tính, tra cứu các con số, viết một bài phân tích tổng hợp về diễn biến dịch và các vấn đề y tế cộng đồng, an sinh xã hội. Nhưng đến sáng nay thì tôi gác lại. Có lẽ xã hội không cần thêm những bài phân tích nữa, không cần thêm các nhận định hay thậm chí cả dự đoán nữa. Chúng ta đều đã quá mệt mỏi rồi.
Trong một nhóm Facebook có tên "Giúp nhau mùa dịch" (tên giản dị vậy thôi nhưng đã lên tới hơn 235.000 thành viên), một lời nhắc nhở được lặp lại nhiều lần: Nếu không phải chuyên gia, vui lòng đừng tư vấn. Quả vậy, đã có rất nhiều lời tư vấn kiểu tra cứu thông tin từ Google cộng với suy diễn cá nhân. Thế mà kiểu tư vấn ấy vẫn thản nhiên đưa ra, từ các loại thảo dược trị được...virus corona, cho đến các lập luận để lách quy định kiểm dịch.
Những lời tư vấn kiểu đó có tác dụng gì, thậm chí còn gây hại?
Nhưng trong nhóm "Giúp nhau mùa dịch", có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin từ hai chiều:
Người cần giúp đỡ và Người có khả năng, sẵn sàng giúp đỡ.
Người cần giúp, chủ yếu là kêu cứu vì tình trạng sức khỏe của người thân chuyển biến xấu. Họ ở nơi cách ly, hoặc tại nhà. Họ có thể đã dương tính, cũng có thể chỉ có biểu hiện và đang sợ hãi. Họ không biết làm gì, hoặc không còn có thể làm gì, để vượt qua.
Người có khả năng giúp, chủ yếu là các y bác sĩ, dược sĩ và cả các chuyên gia tâm lý. Họ tư vấn các phương pháp nhận biết phân biệt bệnh nhân nhiễm COVID-19 hay bệnh khác. Họ tư vấn cách sơ cứu, các thuốc hỗ trợ hô hấp hiệu quả, cách tăng sức đề kháng, hoặc sẵn sàng làm dịu cơn căng thẳng, sợ hãi.
Và đương nhiên, có rất nhiều cảnh ngộ khó khăn cần giúp đỡ vật chất, cũng nhiều không kém là những bàn tay sẵn sàng trao đi những món quà.
Tôi đặc biệt xúc động với một chia sẻ tìm người tặng sữa của một bà mẹ. Chị sinh con được hơn 2 tháng, khỏe mạnh, và chị muốn "gửi tặng ít sữa mẹ đến các bé đang cần". Kèm bài viết là ảnh những bịch sữa căng đầy, được gói vô trùng, để thùng mát cẩn thận.
Thực sự là có nhiều người cần, chưa tới 1 giờ sau bài đăng, người mẹ ấy thông báo đã hết sữa có thể tặng. Nhưng không dừng ở đó, hưởng ứng lời chia sẻ này, là hàng trăm bà mẹ khác, những người nhiều sữa và nhiều hơn cả là tình yêu thương.
Đấy là một câu chuyện tuyệt vời mà không nhiều người biết, về sự sẻ chia giữa đồng bào mình trong cơn khó khăn nay.
Bài chia sẻ tìm người cần sữa được hưởng ứng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. |
Đấy là thứ chúng ta cần lan tỏa: Thông tin trung thực và Tình yêu thương.
Vài tuần qua, người dân cả nước dồn sự quan tâm và mọi khả năng hỗ trợ tới Tp. Hồ Chí Minh. Hôm nay tới lượt Hà Nội. Diễn biến dịch rất khó lường, từ những tháng dài không có ca nhiễm mới, tới những tuần vài chục ca, và nay là hàng nghìn ca dương tính vào mỗi lần tổng kết cuối ngày. Tất nhiên là lo sợ, không thể không hoang mang.
Nhưng hãy nhìn xem, chúng ta vẫn đang kiên cường chiến đấu với COVID-19, bên nhau.
Tổ chức y tế thế giới WHO đã công bố chỉ có thể dập dịch COVID-19 hoàn toàn bằng vaccine, chứ không thể chỉ trông vào miễn dịch cộng đồng. Nước Anh công bố Ngày tự do (20/7), thử nghiệm giai đoạn bình thường mới với dịch bệnh, thì chỉ một ngày sau, nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 46.558 ca (tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Anh lên đến 130.000).
Còn ở Mỹ, số ca nhiễm đang tăng tại toàn bộ 50 bang và thủ đô Washington, gấp gần 3 lần so với hai tuần trước khi biến chủng Delta lây lan nhanh chóng. Mỹ báo cáo trung bình khoảng 43.700 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua. 97% ca nhập viện và 99,5% ca tử vong xảy ra ở những người Mỹ không được tiêm chủng.
Việt Nam lựa chọn hành động nào, suy nghĩ nào, trước những dẫn chứng kể trên?
Người dân đang chờ đợi nhiều thứ.
Vaccine rất cần, đương nhiên rồi. Chính phủ và các doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực và quan hệ quốc tế để khẩn trương nhập vaccine về. Nhưng ý thức tiêm chủng, để không tranh đoạt cũng không gièm pha gây hoang mang vô căn cứ cũng cần không kém.
Sự hỗ trợ về y tế, đương nhiên rồi. Nhưng chính ý thức tự bảo vệ của mỗi người, mỗi gia đình là yếu tố quan trọng giúp hệ thống y tế không quá tải. Nguồn lực y tế dù nỗ lực đến đâu, cũng là hữu hạn. Quyên góp ủng hộ vật tư thiết bị y tế là một cách, và giữ mình an toàn cũng là một cách giúp đỡ các y bác sĩ.
Sự hỗ trợ từ ngân sách quốc gia cho người có hoàn cảnh khó khăn, đương nhiên rồi. Nhưng ngân khố chính là tiền thuế, và từng đồng tiền thuế của dân đều cần phải minh bạch mới được chi. Chờ cơ chế điều chỉnh phù hợp tình hình mới, quan trọng không kém chờ giải ngân.
Những đoàn người lầm lũi rời Sài Gòn trở về quê ở miền Đông, miền Tây, miền Trung, có lặp lại với Hà Nội?
Một câu khẩu hiệu mới năm kia được dùng để nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nay bỗng nhiên phù hợp kỳ lạ với tình hình hiện tại: Không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tin là thế, chúng ta tin ở nhau, cố gắng lên, dù khó khăn vẫn chất chồng ở phía trước.