Mò kim đáy bể
Mùa hè đến, nhu cầu giải trí của trẻ em lại trỗi dậy. Cung thiếu nhi đông nghịt người, các trung tâm luyện tiếng Anh sáng đèn từ ngày đến đêm. Người ta thường chỉ nhắc đến các rạp chiếu phim, những bộ phim hoạt hình bom tấn hoành tráng của nước ngoài, những trung tâm giải trí sầm uất liên tục chào mời với hàng loạt các trò chơi giải trí hiện đại phục vụ thượng đế nhí…
Phim 12A và 4H |
Nhịp sống hiện đại khiến nhiều bậc phụ huynh quên đi rằng đã lâu lắm rồi, mỗi chiều chủ nhật, chương trình phim truyện cuối tuần vắng bóng phim cho thiếu nhi. Giờ vàng buổi tối trên VTV cũng bị đánh cắp cho người lớn với những bộ phim dài tập kéo dài từ tháng này sang tháng khác: “Người phán xử”, “Thương nhớ ở ai”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Tuổi thanh xuân”… Khán giả nhí mỏi mắt tìm phim cho mình một bộ phim trên lịch phát sóng dày đặc của Trung tâm sản xuất phim Truyền hình mà không có.
Nói đúng hơn, trên thực tế, để lấp chỗ trống phim dành cho thiếu nhi, các đạo diễn Việt đã “chữa cháy” bằng cách xây dựng các câu chuyện gia đình, mối quan hệ xã hội… trong đó trẻ em được đề cập tới, nhưng không xuyên suốt và là đối tượng chính của câu chuyện.
Phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" |
Trả lời báo chí cách đâu không lâu, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC) thừa nhận, phim chuyên biệt dành cho thanh thiếu nhi sẽ tiếp tục thiếu vắng trong một thời gian rất dài nữa. Lý do đầu tiên được đưa ra là hành trình quay phim truyền hình đa phần là phim dài tập. Thể loại phim này cần một quy trình sản xuất dài và diễn viên phải theo đoàn ít nhất từ 4-5 tháng, rất khó để các bạn trẻ, đặc biệt là các em nhỏ có thể tham gia do vướng lịch học. Đặc thù của xã hội Việt Nam hiện nay khó có thể tìm được nguồn diễn viên nhỏ tuổi đáp ứng yêu cầu của người làm phim. Phụ huynh ở Việt Nam dù biết con mình đam mê nghệ thuật, mong muốn con được đóng phim nhưng tất cả đều cân nhắc lựa chọn giữa việc nghỉ học đi đóng phim hay là chỉ coi việc đóng phim là hoạt động vui chơi, thỏa mãn đam mê thôi.
Phim "Kính vạn hoa" |
Vì thế, mỗi khi hè về, khi cánh cổng trường học đóng cửa đón hè, thiếu nhi Việt Nam hầu hết phải làm bạn với những kênh thiếu nhi Disney Chanel, Bibi, Cartoon Network, KidTV… Thế giới của những kênh hoạt hình nước ngoài chỉ có phụ đề, tự xem tự hiểu. Lo ngại hơn, ngay sau các bộ phim hoạt hình, một chuỗi những quảng cáo sản phẩm ăn theo khiến lũ trẻ thèm thuồng, mè nheo bố mẹ mua bằng được.
Gameshow nở rộ
Trong khi phim truyền hình dành riêng cho thiếu nhi bị hổng lớn thì truyền hình Việt Nam vài năm gần đây nở rộ nhiều gameshow và các hoạt động khác dành cho các em nhỏ.
Mùa hè đến, nhu cầu giải trí của trẻ em lại trỗi dậy. Cung thiếu nhi đông nghịt người, các trung tâm luyện tiếng Anh sáng đèn từ ngày đến đêm. Người ta thường chỉ nhắc đến các rạp chiếu phim, những bộ phim hoạt hình bom tấn hoành tráng của nước ngoài, những trung tâm giải trí sầm uất liên tục chào mời với hàng loạt các trò chơi giải trí hiện đại phục vụ thượng đế nhí… |
Khởi đầu từ “Đồ Rê Mí” và cho đến nay, số lượng game show cũng như truyền hình thực tế dành cho trẻ em đã vượt chục chương trình, lúc nào cũng được ưu tiên chiếm sóng nhà đài. Sự bùng nổ “vô tội vạ” của các game show gắn với chữ “nhí” đã khiến cả phụ huynh và con trẻ loạn: “Giọng hát Việt nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Thử tài siêu nhí” hay “Gương mặt thân quen nhí”... Số lượng chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em khiến không ít phụ huynh hoang mang khi cứ mở ti-vi lên vào khung giờ vàng là thấy thiếu nhi ganh đua thi tài, thậm chí có những đứa trẻ hát cả những bài bolero thất tình sầu não… Năm ngoái, chương trình truyền hình thực tế “Giọng hát Việt nhí” thực sự là cú nổ lớn khi thu hút sự chú ý lớn của khán giả với những gương mặt tài năng Quốc Thái, Hoài Ngọc, Ngọc Ánh, Đình Tâm... Tuy nhiên, cuộc thi cũng để lại nhiều băn khoăn khi các thí sinh nhí đều đa phần lựa chọn trình diễn các ca khúc người lớn.
Chị Trịnh Thu Tâm (Ba Đình, Hà Nội) - phụ huynh của 2 con đang độ tuổi mầm non nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi nhớ nhất là “Những bông hoa nhỏ”, một chương trình tạp kỹ dành cho trẻ em của Đài truyền hình Việt Nam. Hồi đó kỹ xảo chưa hiện đại, mở đầu chương trình đơn giản chỉ là hai nhân vật hoạt họa chạy ra ghép tay vào nhau, tung hoa lên xếp thành chữ “Những bông hoa nhỏ” mà đứa trẻ nào cũng háo hức. Chương trình có nhiều nội dung thiết thực với trẻ em, chẳng hạn tin thời sự về hoạt động Đội, tiêm chủng vắc-xin, rồi các tiết mục ca hát, diễn kịch của thiếu nhi, chiếu phim hoạt hình ngắn (Việt Nam và nước ngoài)… Giờ muốn con có những chương trình đơn giản vậy mà không thấy, chương trình mang danh cho trẻ em lại không phù hợp lứa tuổi”.
Chương trình truyền hình thực tế “Giọng hát Việt nhí” |
Chị lấy ví dụ, trước đây chị thường rủ con xem chương trình “Bé đã lớn khôn” của HTV9, có phát lại trên Truyền hình HTV Hà Nội. Nhưng rồi, chị nhận ra tâm lý của các bé bị “cường điệu quá”: “ Trẻ nhỏ 3 - 5 tuổi chỉ làm được một việc, giỏi lắm là hai việc, trẻ cũng khó có thể mang vác cồng kềnh, nhưng trong một chương trình đã phát, cháu trai 5 tuổi được giao nhiệm vụ cùng em gái 3 tuổi đi đưa khung có tranh thêu. Đến nhà bạn thứ ba Cà rốt, 4 tuổi, mẹ cháu lại giao thêm một nhiệm vụ nữa là mua miến. Đường dài và phải rẽ đến 3-4 lần. Kết quả, mua đồ ăn xong các con quá mệt quá, bé trai lớn 5 tuổi khóc òa, còn em gái bức xúc mắng anh: cho con ma bắt anh Bin đi. Tôi nhận ra cho con xem chúng sẽ sợ nên từ đó thôi, không rủ các con xem nữa” – chị Tâm kể.
Khủng hoảng ngầm
Trong kí ức nhiều thế hệ trưởng thành nay đã 30-40 tuổi, ngành công nghiệp giải trí đã phát triển vượt bậc, những chiếc tivi đen trắng to nặng đã nhường chỗ cho những chiếc tivi màu siêu mỏng, siêu nét…. Trẻ con giờ có nhiều thứ để xem và dĩ nhiên hay hơn đẹp hơn cái thời chỉ có phim trắng đen. Nhưng cái cảm giác nao nao lúc thấy đồng hồ điểm 7 giờ báo hiệu chương trình tạp kỹ “Những bông hoa nhỏ” thì chắc không thể tưởng tượng được, cũng khó có thể tưởng tượng niềm háo hức mong chờ các bộ phim truyền hình kinh điển gắn liền với tuổi thơ của thế hệ cuối 7x, đầu 8x.
Nếu không quan tâm đến thiếu nhi ngay từ bây giờ, thì đến bao giờ thế hệ trẻ tuổi mới lại có cơ hội xem những bộ phim “made in Việt Nam” kinh điển như trước, hay chỉ lớn lên nhờ những bộ phim hoạt hình nước ngoài và chương trình giải trí đậm yếu tố nước ngoài? |
Những bộ phim ấy, không chỉ có dàn diễn viên đúng lứa tuổi, nội dung giản dị, dễ hiểu mà phần nhạc phim cũng khiến nhiều khán giả nhí ấn tượng. Nhớ nhất là bộ phim “Đội đặc nhiệm nhà C21” thường được chiếu lại dịp Hè, ngân nga câu hát mà nhiều thanh thiếu niên hồi ấy thuộc lòng: “Rộn ràng bước chân khi thành phố vào hè, rạo rực tiếng ve trưa hè qua phố…”.
Không thể phủ nhận trong hai thập niên trước và đầu thế kỷ XXI, truyền hình Việt Nam đã có sự lột xác và phát triển rất mạnh mẽ nhờ các điều kiện trang - thiết bị kỹ thuật, kinh phí, nhân lực... được nâng cao. Nhu cầu vui chơi giải trí của khán giả nhí thời nay cũng đã có nhiều thay đổi so với chục năm về trước. Dẫu vậy, truyền hình Việt Nam vẫn đang rơi vào một cơn khủng hoảng ngầm, cuộc khủng hoảng cạn ý tưởng sáng tạo. Chỉ nói riêng về thế giới nhất quỷ nhì ma của học sinh, dù có khai thác thêm bao nhiêu năm đi nữa, khai thác ở góc độ nào chăng nữa thì cũng rất khó để cạn ý tưởng vì mỗi thế hệ là một cách sống riêng, hoàn cảnh riêng, tâm lý riêng… Nhưng không hiểu vì sao, phim dành thiếu nhi càng ngày càng mất hút. Thiếu ý tưởng cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao các nhà đài buộc phải mua bản quyền các chương trình dành cho trẻ em của nước ngoài.
Nếu không quan tâm đến thiếu nhi ngay từ bây giờ, thì đến bao giờ thế hệ trẻ tuổi mới lại có cơ hội xem những bộ phim “made in Việt Nam” kinh điển như trước, hay chỉ lớn lên nhờ những bộ phim hoạt hình nước ngoài và chương trình giải trí đậm yếu tố nước ngoài?