Thời gian qua dư luận xôn xao khi hàng loạt vụ việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong tạo nạc cho lợn bị phát hiện.
Nghiêm trọng hơn, người tiêu dùng khi ăn thịt lợn có dư lượng chất Salbutamol trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa…
Điều này khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng, hoang mang khi có nhiều thông tin cho rằng Salbutamol có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Nghiên cứu phòng, chống ung thư khẳng định: “Không có Salbutamol gây ung thư ở người”
Lý giải về vấn đề này, ông PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ thông tin tại buổi hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” do Bộ NN&PTNT tổ chức.
“Đối với vai trò của chất Sabultamol có gây ung thư hay không, hàng năm Bộ Y tế Hoa Kỳ báo cáo nghiên cứu về ung thư, tổng hợp từ các nghiên cứu đã báo cáo các chất ung thư ở người nhưng không có Sabultamol. Cho tới thời điểm hiện tại, Sabultamol không phải là chất gây ung thư”, ông Thuấn nói.
Theo đó, chất Salbultamol đi vào bên trong cơ thể con người thì chúng sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể trong vòng từ 24-48h và không tích tụ trên cơ thể.
Khi Salbultamol dùng trong điều trị một số bệnh liên quan đến đường hô hấp nếu sử dụng đúng liều trị bệnh của bác sĩ sẽ an toàn, còn nếu sử dụng quá liều sẽ gây ra một số triệu chứng chết lâm sàng: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, cao huyết áp, thậm chí có thể nguy hiểm.
Salbutamol là một loại chất cấm trong chăn nuôi nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng phải thừa nhận chưa thể kiểm soát hết được thực phẩm ngoài thị trường liệu có chứa salbutamol hay không.
Để cung cấp thêm thông tin về mối liên hệ giữa chất cấm trong chăn nuôi và bệnh ung thư, ông Thuấn liệt kê: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc bệnh ung thư, xu thế mắc bệnh ung thư gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn hầu hết các nước trên thế giới.
Nguyên nhân gây ra ung thư gồm 2 nhóm chính: Một là do các yếu tố bên ngoài chiếm hơn 80% và hai là nhóm bên trong như di truyền, nội tiết tố cơ thể. Yếu tố 1 chỉ tính riêng thuốc lá đã chiếm trên 30%, có khoảng 30% dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn.
Đơn cử như chế độ ăn quá nhiều chất đạm, chất mỡ động vật, ít hoa quả, rau xanh.
“Không an toàn khi chúng ta ăn phải các chất thực phẩm mà có nhiễm một số chất hoặc do sinh ra trong quá trình bảo quản thực phẩm: rau quả mốc hoặc dưa khú nhiều quá, dưa muối quá kĩ là nguyên nhân gây bệnh ung thư ở người như ung thư thực quản, ung thư vú, ung thư tử vòm họng”, ông Thuấn chia sẻ
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam ở cả 2 giới là 73,3 tuổi, bởi số tuổi càng thọ, thì thời gian tiếp xúc các chất ung thư càng cao, nguy cơ mắc ung thư càng nhiều. Các phương tiện hiện tại cho phép chúng ta phát hiện ung thư tốt hơn.
Trong 5 năm trở lại đây, con số ung thư vẫn tăng. Đặc biệt ở nam giới, từ năm 2000, tổng số ca mới mắc đối với nam giới là 36.024 nhưng tới năm 2010 thì con số đã vượt mức 71.940 ở riêng nam giới.
“Thực tế khi khám và điều trị ung thư, chúng tôi chỉ quan tâm nhiều tới công tác chẩn đoán và điều trị chứ ít quan tâm tới nguyên nhân gây bệnh và để làm được điều đó phải có phương pháp nghiên cứu và được tiến hành trong thời gian lâu dài”, ông Thuấn nói.
Việt Oanh