Sáng 11/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác ngành thanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương nỗ lực của cơ quan thanh tra trong một số vụ việc lớn liên quan đến các ngành, tập đoàn, địa phương.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những yếu kém của ngành thanh tra. Cụ thể, việc xây dựng triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát với tình hình thực tế, chất lượng của một số vụ việc qua các kết luận chưa đảm bảo.
Việc giải quyết khiếu nại tố cáo còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài; chưa đẩy lùi được yếu tố tham nhũng, quá trình thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt kết quả...
“Thanh tra có lúc chưa thể hiện quyết tâm chính trị, cụ thể là kiên quyết xử lý đối với cá nhân trong đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Kết luận thanh tra còn né tránh, ngại va chạm chưa thể hiện đúng với trách nhiệm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành kiên quyết xử lý hành vi tham nhũng, lãnh phí, lợi ích nhóm theo đúng tinh thần của Đảng, không ngại va chạm, không vì bất kỳ áp lực nào mà bẻ cong pháp luật.
Ông Trương Hòa Bình yêu cầu khắc phục sơ hở trong quản lý nhà nước, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật để góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống tiêu cực, tham nhũng nói riêng.
Năm 2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo ngành tổ chức triển khai thực hiện kiên quyết, hiệu quả kế hoạch thanh tra, đảm bảo đúng yêu cầu, nội dung định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt.
“Ngành thanh tra phải mạnh tay xử lý những vụ việc gây bức xúc, kéo dài, tiến hành thanh tra đột xuất làm rõ những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”, Phó thủ tướng nói.
Trao đổi tại hội nghị, ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, nêu thực tế hàng năm có nhiều đoàn đi kiểm tra, đôn đốc xử lý các vụ việc sau thanh tra. Nhưng có những việc chưa nghiêm minh, các vụ tiêu cực chuyển điều sang cơ quan điều tra còn ít.
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho rằng theo quy định hiện hành thì thanh tra chỉ được phép kiến nghị xử lý mà chưa có chế tài trong tay. Ông cũng thừa nhận một số đơn vị thực hiện thiếu nghiêm túc, phát hiện dấu hiệu vi phạm nhưng vì nể nang lẫn nhau nên đã bỏ sót.
“Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan nội chính, các ban ngành để đôn đốc và kiểm tra thường xuyên hơn nữa, đồng thời kiến nghị sửa luật để ngành thanh tra có thể làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn”, ông Sáu nói thêm.
Xử lý 20 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 59.400 tỷ đồng, 4.000 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 37.960 tỷ đồng. Ngành thanh tra cũng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.400 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.760 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 90 vụ việc, 138 người. Về công tác phòng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 30 vụ, 60 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 16 vụ, xử lý 20 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (một người đã bị xử lý hình sự); 10 người bị xử lý kỷ luật hành chính. |