Quản lý để phát triển trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(Ngày Nay) - Hướng đi nào cho quản lý nhà nước trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều càng nhanh những mô hình kinh doanh sáng tạo mới.
Quản lý để phát triển trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

I. Mường tượng về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Hiện chưa có định nghĩa nào về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được chấp nhận rộng rãi nhưng điều đó không ngăn cản người ta bàn về nó ngày càng nhiều. Bài này cũng không có tham vọng đưa ra một định nghĩa về CMCN 4.0.

Nhưng dù có nhiều ý kiến khác nhau về chủ đề này, khó có thể phủ nhận một thực tế là CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội theo những cách chưa từng có trước đây, theo cả bề rộng và chiều sâu, làm thay đổi căn bản hành vi của các cá nhân và cách vận hành của các doanh nghiệp, tổ chức. Quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh doanh cũng không nằm ngoài xu thế chịu tác động to lớn của CMCN 4.0.

II.  Một số xu hướng mô hình kinh doanh mới

1. Khai thác dữ liệu lớn

Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, còn tài nguyên thông tin là vô hạn. Nguyên lý này đang được áp dụng triệt để. Những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây phải mất nhiều thập kỷ mới tạo ra được các đế chế kinh doanh và tỉ phú. CMCN 4.0, trong đó có cuộc cách mạng công nghệ số, đã giúp tạo ra nhiều tập đoàn công nghệ tỉ đô với nhiều tỉ phú trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Những công ty công nghệ trẻ như Google, Facebook, Amazon, Alibaba, v.v… đều có mô hình kinh doanh phụ thuộc vào việc khai thác dữ liệu lớn. Họ chủ động thúc đẩy người dùng tạo ra càng nhiều dữ liệu càng tốt bằng cách cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ ngày càng hữu ích và dễ tiếp cận (miễn phí hoặc chi phí thấp) để “dụ dỗ”.

Những công ty công nghệ số có tuổi đời “già” hơn như IBM, Microft, Oracle, Intel, Qualcomm, v.v… đã nhận ra và đang tận dụng cơ hội khổng lồ từ việc khai thác dữ liệu tạo ra bởi số lượng đông đảo các khách hàng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của họ.

Kể cả những tập đoàn công nghiệp có truyền thống cả trăm năm như General Electric hay Siemens cũng đã đưa vào vận hành mô hình kinh doanh dựa trên khai thác dữ liệu lớn từ khách hàng của mình.

Xu hướng vạn vận kết nối (IoT) đang phát triển ngày càng mạnh mẽ sẽ tiếp tục tạo ra lượng dữ liệu ngày càng khổng lồ. Với các thuật toán ngày càng thông minh và chi phí cho siêu máy tính đang giảm nhanh chóng, khả năng khai thác dữ liệu lớn của con người ngày càng tăng. Điều này mang lại cơ hội không chỉ cho những ông lớn nói trên mà cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

2. Biến các sản phẩm thành nền tảng để phân phối sản phẩm và dịch vụ (platform economy)

Để khai thác được tiềm năng của dữ liệu lớn, các doanh nghiệp đang có xu hướng xây dựng những hệ sinh thái hội tụ sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng của mình, biến các sản phẩm của mình thành nền tảng để phân phối các sản phẩm và dịch vụ. Nếu như trước đây các doanh nghiệp chỉ ưu tiên việc bán được sản phẩm cho người tiêu dùng (ô tô của Ford, máy tính của Dell, hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng văn phòng Office của Microsoft, điện thoại “cục gạch” của Nokia, thang máy của Otis, v.v…) thì ngày nay điều đó chưa đủ để làm nên một mô hình kinh doanh thành công. Các sản phẩm đó ngày càng có vai trò quan trọng là một nền tảng (platform) để qua đó doanh nghiệp sở hữu nền tảng cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ của mình.

Các thiết bị điện tử của Apple hay các sản phẩm chạy trên hệ điều hành Android là những ví dụ tiêu biểu. Đây là những nền tảng để Apple và Google kinh doanh ứng dụng (app economy) và phân phối nội dung số (iTunes, Google Music, v.v...). TV thông minh, tủ lạnh thông minh và nhiều sản phẩm gia dụng và công nghiệp khác cũng đang được sản xuất, phân phối và khai thác theo xu hướng này.

Ngay cả những chiếc ô tô hay thang máy hiện nay cũng trở thành nền tảng để qua đó sản phẩm và dịch vụ được phân phối nhờ khả năng kết nối internet của chúng. Microsoft quyết định miễn phí hoàn toàn hệ điều hành Windows 10 (kèm theo dịch vụ cập nhật vá lỗi hệ điều hành cũng miễn phí) vì coi đó là nền tảng để phân phối các phần mềm khác của mình.

3. Nền kinh tế chia sẻ

Xu hướng này dựa trên nguyên tắc tận dụng công suất nhàn rỗi của tài tài sản/nguồn lực, về bản chất cũng không khác gì nguyên tắc quay vòng vốn trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của công nghệ, sự phổ biến của các thiết bị IoT và khả năng kết nối cùng năng lực xử lý dữ liệu lớn, cơ hội để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (tức là “bắt” mỗi đơn vị tài sản phải “đẻ” ra nhiều giá trị hơn) ngày càng lớn.

Có quan điểm cho rằng xu hướng này thực chất chỉ là việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực, vốn là quá trình thường xuyên diễn ra trong kinh doanh, thể hiện qua xu hướng chuyên môn hóa trong sản xuất kinh doanh quy mô lớn và hình thành nên những chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng ngày càng hoàn thiện.

Thực ra có những điểm khác biệt rất lớn giữa hai xu hướng này. Chuyên môn hóa là quá trình đòi hỏi nguồn lực lớn, tập trung, thường được dẫn dắt bởi các tập đoàn đa quốc gia, trong đó các cá nhân/người tiêu dùng đơn lẻ không có nhiều quyền quyết định. Kinh tế chia sẻ không đòi hỏi nguồn lực lớn và tập trung như thế, không phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn đa quốc gia và trên hết là nó trao quyền hơn nhiều cho các các nhân/người tiêu dùng đơn lẻ. Một ưu điểm căn bản của kinh tế chia sẻ là nó giúp tận dụng công suất nhàn rỗi của tài sản mà trước đây bị bỏ phí (trong chừng mực nào đó có thể so sánh với hoạt động tái chế, tái sử dụng).

Kinh tế chia sẻ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn mô hình kinh doanh mới xuất hiện và con số vẫn tăng lên hàng ngày trong vô vàn các lĩnh vực như vận tải, lưu trú, du lịch, nông nghiệp, tài chính, thực phẩm, lao động, y tế, v.v…

4. Dịch vụ hóa/thuê bao hóa việc đáp ứng nhu cầu thị trường (phi sở hữu)

Gắn liền với nền kinh tế chia sẻ là xu hướng dịch vụ hóa/thuê bao hóa phương thức đáp ứng nhu cầu của khách hàng đang ngày càng phát triển. Mô hình kinh doanh truyền thống dựa trên giả định rất quan trọng là khách hàng muốn sở hữu tài sản/công cụ, mặc dù mục đích mua hay sở hữu tài sản đó là để đáp ứng (những) nhu cầu khác. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xác định, đối với khách hàng, sở hữu tài sản không phải lúc nào cũng là cách khôn ngoan nhất để đáp ứng nhu cầu của mình, nhất là những tài sản có giá trị lớn. Thay vì cố thuyết phục khách hàng mua đứt sản phẩm của mình (và do đó phải chịu các chi phí của việc sở hữu), các doanh nghiệp này đã chuyển sang mô hình cung cấp giải pháp cho nhu cầu của khách hàng theo thuê bao (đối với những khách hàng không có nhu cầu sở hữu tư liệu sản xuất/tài sản).

Trong mô hình cũ trước đây, Microsoft bán hệ điều hành Windows và các phần mềm chạy trên hệ điều hành đó, trong đó nổi tiếng nhất là bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office. Đối với khách hàng, dù là cá nhân hay doanh nghiệp, chi phí để sở hữu những sản phẩm này là rất lớn trong khi đó nhu cầu sử dụng của mỗi người là khác nhau và đối với mỗi người dùng, nhu cầu sử dụng của họ cũng nhiều ít khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Kết quả là nạn sử dụng phần mềm bẻ khóa (lậu) của Microsoft vô cùng phát triển, nhất là ở những thị trường có thu nhập bình quân đầu người thấp.

Sau một thời gian dài đuổi theo những kẻ vi phạm bản quyền nhưng không đem lại kết quả tích cực gì đáng kể, Microsoft dưới thời tân Tổng Giám đốc điều hành Satya Nadella đã phát minh lại mô hình kinh doanh của họ. Thay vì đi “dọa dẫm” những người đang dùng phần mềm lậu, công ty đã chuyển sang coi họ là những khách hàng và tìm hiểu cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của họ. Rất đơn giản, nhu cầu ấy là được sử dụng những chức năng, công dụng của các sản phẩm của Microsoft vào bất kỳ lúc nào, nơi nào và với bất kỳ cường độ, tần xuất nào mà khách hàng muốn với chi phí phù hợp khả năng chi trả của họ. Từ đó, công ty đã quyết định cho không khách hàng hệ điều hành windows (đã nói ở trên) và cung cấp dịch vụ thuê bao sử dụng các sản phẩm của mình (gồm bộ ứng dụng văn phòng hay từng thành phần của nó và nhiều phần mềm khác). Dùng nhiều thì trả nhiều, dùng ít trả ít, không dùng thì không phải trả chi phí gì cả. Một mô hình tài trợ cho tư liệu sản xuất cực kỳ linh hoạt, như thể “may đo” cho mỗi khách hàng. Chiến lược mới này đang là kênh phân phối chủ đạo của Microsoft, giúp công ty bật dậy trở lại là một ông lớn trong ngành công nghệ và kỹ thuật số sau một thời gian bị lu mờ bởi các gã khổng lồ khác như Google, Apple hay Facebook.

Thực ra, không phải Microsoft phát minh ra chiến lược thuê bao hóa/dịch vụ hóa nói trên mà trước đó, phương thức này đã khá phổ biến ở một số dòng sản phẩm như phần mềm chống virus hay bộ công cụ đảm bảo an ninh mạng cho máy tính, vốn đòi hỏi phải cập nhật thường xuyên nên không thể “mua đứt bán đoạn” được. Việc cho thuê các tài sản/tư liệu sản xuất có giá trị lớn cũng đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, chỉ đến thời điểm hiện nay thì xu hướng thuê bao hóa/dịch vụ hóa mới trở thành chủ đạo vì công nghệ hiện nay cho phép cá nhân hóa giải pháp cho từng người tiêu dùng đơn lẻ với chi phí chấp nhận được và ngày càng giảm. Ứng dụng của xu hướng này rất đa dạng, từ thuê cây cảnh, thuê tranh trang trí văn phòng, nhà ở đến thuê xe, thuê ứng dụng phần mềm….

(Còn nữa)

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.