Sự xuất hiện ồ ạt các ca bệnh bạch hầu
Bắt đầu từ tỉnh Đắk Nông rồi đến Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk Lâm Đồng, Bình Phước số ca mắc bệnh bạch hầu xuất hiện rải rác và gia tăng nhanh chóng. Thống kê của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, tính tới ngày 8/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu, trong số đó có 3 trường hợp tử vong.
Phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng.
Trong số các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), ghi nhận có người 50-60 tuổi cũng mắc bệnh. Điều đáng nói, đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%).
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về tình hình sử dụng vaccine phối hợp DPT-VGB-Hib do SII (Ấn Độ) sản xuất và báo cáo kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng thấp chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, trong đó tỷ lệ vaccine DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi (34,6%), tỷ lệ tiêm vaccine DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi (28,4 %). Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ thấp.
Viêm não Nhật Bản vào mùa sớm
Từ đầu tháng 6, BV đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm não, theo các bác sĩ, năm nay thời tiết nắng nóng nhiều nên dịch viêm não đến sớm hơn mọi năm. Trung bình mỗi ngày có từ 5 đến 10 ca nhập viện điều trị, cao hơn so với những năm gần đây. Đáng lưu ý, bệnh nhân năm nay chủ yếu là trẻ lớn tuổi, nhiễm bệnh do quên tiêm các mũi vaccine nhắc lại.
Tiêm chủng nhắc lại là việc làm cần thiết để phòng, chống dịch bệnh. |
Tại khoa Nội, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ đang có trên 30 bệnh nhân nhiễm viêm não Nhật Bản nằm điều trị. Trong số này có khoảng 10 ca là trẻ từ 7 tuổi đến 12 tuổi, nhiều ca trở nặng, phải thở máy. Các bệnh nhân hầu hết đến từ các tỉnh ven Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang... đều là những vùng dịch tễ viêm não Nhật Bản.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội,Trung tâm Y học lâm sang các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương cho biết, trẻ khi vào viện triệu trứng đã rất rõ ràng. Vào ngày thứ 3, thứ 4, thậm chí thứ 5 triệu chứng ban đầu không còn nữa mà em bé lơ mơ, chậm chạp, hôn mê thậm chí phải thở máy nên việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine phòng viêm não Nhật Bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện nay là vắc xin Jevax do Việt Nam sản xuất. Lịch tiêm vaccine này cụ thể là: Mũi 1: trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên; Mũi 2: sau mũi tiêm thứ nhất 1-2 tuần; Mũi 3: sau mũi thứ hai 1 năm; Các mũi tiêm nhắc lại: Sau 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Cần lấp đầy những “vùng lõm” trong tiêm chủng
Thành quả tiêm chủng đạt được trong thời gian qua đã giúp thế giới cũng như Việt Nam đẩy lùi được nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, sởi... Tuy nhiên, những năm gần đây ghi nhận sự xuất hiện trở lại của các dịch bệnh này. Nguyên nhân do xuất hiện “vùng lõm” trong tiêm chủng. Nhiều người vẫn nghĩ lỗ hổng tiêm chủng chỉ tồn tại ở những vùng khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa nhưng thực tế, ở những khu vực trung tâm, có điều kiện kinh tế, dân trí cao, lỗ hổng tiêm chủng vẫn tồn tại.
Gần đây nhất là phong trào Anti vaccine (tức chống sử dụng vaccine) trên mạng xã hội rộ lên vài năm nay tại một số TP lớn, nhất là TP Hồ Chí Minh. Hậu quả là dịch bệnh đã quay trở lại tấn công người dân.
Đáng kể đến là dịp Tết Nguyên đán năm 2019, cả nước đã ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rải rác tại các tỉnh, TP chủ yếu là miền Bắc và miền Nam. Tại Hà Nội, số ca mắc sởi đã lên đến 114, trong đó có gần 90% số bệnh nhân bị phát hiện không tiêm, hoặc tiêm ngừa sởi không đủ liều. Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng, có tới 95% trong số này không rõ lịch sử tiêm chủng vaccine.
Với những dịch bệnh cũ, chúng ta vẫn yên tâm vì đã có vaccine và có miễn dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra mới đây của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở một số tỉnh cho thấy, tại Hải Dương, phụ nữ trong độ tuổi từ 18-25 hầu như không còn kháng thể đối với bệnh bạch hầu. Điều này cho thấy qua thời gian, miễn dịch cộng đồng với một số dịch bệnh cũ đã yếu đi rất nhiều.
Khi chúng ta tiêm đủ mũi thì cơ thể sẽ có đủ miễn dịch chống lại bệnh có thể phòng được bằng các loại vaccine. Năm 2020 chương trình tiêm chủng có kế hoạch triển khai tiêm
vaccine bạch hầu uốn ván với vùng sâu xa khó khăn với trẻ em 7 tuổi, chúng tôi mong muốn có thể sử dụng được cho người lớn và khuyến cáo tiêm nhắc lại cho người lớn”.