Theo thông tin từ TTXVN, tại huyện Cư M’gar ghi nhận một trường hợp, bệnh nhân là Y. K. K. (nam, sinh năm 2016), trú buôn Bling, xã Cư M’gar, khởi phát bệnh vào ngày 10/7 với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, đau họng. Ngày 13/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây nguyên. Ngày 14/7, kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, bệnh nhân Y K. K. có tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu nhưng tiêm không đủ mũi. Trước và trong thời gian mắc bệnh, cháu bé không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, xung quanh khu vực cháu bé sinh sống không có trường hợp mắc bệnh tương tự.
Ngay sau khi xác định ca bệnh bạch hầu trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác khoanh vùng, cách ly, phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực buôn Bling; cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho 2 đối tượng (trẻ từ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi và người từ 49 tháng tuổi trở lên). Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm đối với 20 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh.
Cũng trong ngày 14/7, huyện M’Đrắk cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại xã Cư Króa, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn huyện đến thời điểm này lên 4 trường hợp. Trước đó vào ngày 11/7, tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk đã ghi nhận hai bệnh nhân mắc bạch hầu.
Như vậy, tính đến chiều 14/7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, huyện M’Đrắk có 4 ca, huyện Lắk 1 ca và huyện Cư M’gar 1 ca.
Các bác sĩ khám cho bệnh nhân Y K. Knul đang điều trị tại TTYT huyện Cư M’gar - Ảnh: Báo Tổ quốc |
Báo Thanh Niên đưa tin, ngay sau khi xác định ca bệnh bạch hầu trên địa bàn, Trung tâm y tế H.Cư M’gar và chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai khoanh vùng, cách ly, phun hóa chất khử khuẩn khu vực buôn Bling. Đồng thời cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho 2 đối tượng (trẻ từ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi và người từ 49 tháng tuổi trở lên); đồng thời lấy mẫu xét nghiệm đối với 20 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh.