Cuốn sách cung cấp các thông tin từ nguyên lý hoạt động, đến thiết kế, cấu tạo của ba loại động cơ hiện đại, cho các thiết bị bay mà Việt Nam đang sử dụng như máy bay Airbus, máy bay Boeing, ATR và các máy bay quân sự khác.
Cuốn sách “Động cơ Turbin, động cơ tên lửa và động cơ ramjet/scramjet trên các thiết bị bay hiện đại” |
Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới là nước công nghiệp nhưng việc Việt Nam có thể chế tạo ra các động cơ turbin hiện đại cho các thiết bị bay nhưng còn nhiều thách thức, cuốn sách như một tài liệu tham khảo quý báu để các nhà khoa học trẻ tìm hiểu và dấn thân sâu hơn khi phương tiện máy bay ngày càng được nhiều người dân Việt Nam lựa chọn. Hiện mỗi năm nước ta có 70-80 triệu người đi máy bay. Mỗi ngày trên bầu trời Việt Nam có tới khoảng 2.000 chuyến bay. Những con số ước lượng trên cho thấy phương tiện bay ngày càng phổ biến rộng rãi.
GS Nguyễn Hoàng Nghị chia sẻ: “Cuốn sách như một tài liệu tham khảo dành cho các bạn đọc đang khai thác, vận hành hoặc bước vào nghề sửa chữa, thiết kế từng phần và tiến tới thiết kế các loại động cơ hiện đại cho các thiết bị bay. Nội dung cuốn sách sẽ giúp người đọc dễ dàng đọc các tài liệu chuyên sâu hơn về vật lý và công nghệ động cơ Turbin, động cơ tên lửa và động cơ Ramjet/Scramjet”.
GS Nguyễn Hoàng Nghị ký sách cho các độc giả |
Quan trọng hơn, cuốn sách “Động cơ Turbin, động cơ tên lửa và động cơ ramjet/scramjet trên các thiết bị bay hiện đại” được viết với mong muốn truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ để nghiên cứu sâu hơn, tiến tới thiết kế từng phần và thiết kế toàn bộ các động cơ hiện đại "made in Vietnam". Đây cũng là một tài liệu tham khảo cho quân đội Việt Nam để từng bước xây dựng và phát triển đề án tự thiết kế và sản xuất động cơ cho thiết bị bay quân sự .
Cuốn sách dầy hơn 300 trang, 6 chương, tập trung vào các chủ đề: Động cơ Turbin khí, Tên lửa và động cơ tên lửa, Vòi phun tên lửa, Lực đẩy của động cơ turbin, của tên lửa và phương trình Tsionkovskii, Động cơ ramjet và scramjet, Các động cơ nhiệt và chu trình nhiệt động.
Giáo sư Nguyễn Hoàng Nghị (áo xanh, đeo kính) hào hứng giới thiệu sách đến độc giả |
Ở tuổi 79, Giáo sư Nguyễn Hoàng Nghị vẫn hàng ngày gắn bó với công việc khoa học và viết sách. Ông vẫn theo đuổi cách viết dựa vào các phân tích và dẫn chứng khoa học. Đây là cuốn sách thứ 9 về mảng khoa học kỹ thuât do Giáo sư chủ biên trong vòng 20 năm qua. Cuốn sách được viết trong gần một năm, dựa trên sự dầy công nghiên cứu và tham khảo nhiều tài liệu quốc tế. Bên cạnh chủ đề về tên lửa, các thiết bị bay, các cuốn sách khoa học khác của ông được viết với nhiều chủ đề đa dạng như Vật liệu từ vô định hình và nano tinh thể; Ozone: Vật lý- Hóa học- Công nghệ và ứng dụng; Nước thiên nhiên, các nguyên lý lọc và khử trùng nước; Từ học và các vật liệu từ tiên tiến…
Cuốn sách có sự tham gia đồng chủ biên của Tiến Sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Nguyên Cục phó, Cục Khoa học Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng, và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thái, Đại học tổng hợp Quốc gia Moskva, mang tên Bauman.
GS Nguyễn Hoàng Nghị mong muốn truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ để nghiên cứu sâu hơn, tiến tới thiết kế từng phần và thiết kế toàn bộ các động cơ hiện đại "made in Vietnam" |
Theo GS, TS Nguyễn Đại Hưng, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, cuốn sách phù hợp để bạn đọc tìm hiểu, làm chủ và tham khảo về mọi vấn đề cơ bản và công nghệ phức tạp nhất trong vận hành, sửa chữa và bước đầu thiết kế, chế tạo các loại động cơ hiện đại; đồng thời cuốn sách có thể bổ ích cho các sinh viên nghiên cứu sinh các chuyên ngành liên quan. Tuy nhiên, nội dung cuốn sách khá trải rộng, nên vấn đề nêu ra chỉ là sự gợi mở, là nguyên lý cơ bản nhất, trên cơ sở đó các chuyên gia có thể đi sâu vào một vài vấn đề quan tâm.