Phát biểu khai mạc buổi lễ, Ông Nguyễn Xuân Dũng - Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia cho biết: Nhà văn Lê Lựu đã xuất bản hơn 40 đầu sách, với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể sang kịch bản phim, như "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông"... được khán giả yêu thích.
Cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" do Viện Nhân học Văn hóa xuất bản, với gần 350 trang sách, gồm gần 50 bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu viết về sự nghiệp văn chương, cuộc đời và số phận của nhà văn Lê Lựu.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1938, tại thôn Mãn Hòa (xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn, nhà văn Lê Lựu có cuộc đời nổi chìm, cơ cực, cương cường cũng như văn chương của ông. Sự rèn luyện về văn chất và bản chất con người của Lê Lựu luôn không ngừng nghỉ. Kể cả khi ông mất đi, những dòng chữ mà ông chuẩn bị từ trước đều là trình bày một sự thật, rất khốc liệt, rất cay đắng nhưng vấn đề đó là sự thật.
Lễ ra mắt cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận". |
Văn chương cũng như số phận của nhà văn Lê Lựu có nhiều khúc quanh bước ngoặt mà cuốn sách này đã chạm đến, đã chia sẻ và đồng hành, đớn đau và kiêu hãnh về ông, cho ông, một nhà văn của nhân dân và Tổ quốc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Văn chương của Lê Lựu là thứ văn chương vắt ra từ gan ruột. Ông sống và nghĩ như thế nào thì viết ra như thế. Bởi thế mà văn chương của ông khác biệt.
Tại lễ ra mắt, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã chia sẻ những đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Lê Lựu, với sự trân quý và tri ân những đóng góp của ông với nền văn chương nước ta.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng đã trao tặng nhiều cuốn sách cho Thư viện Quốc gia và bạn đọc, bạn viết đến tham gia sự kiện.