Tuy nhiên, theo kết quả rà soát, tất cả các địa phương đều “thực hiện đúng quy trình”. Chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là kết quả không lạ.
Tại Hòa Bình, theo báo cáo, ngày 23/7 Hội đồng chấm thẩm định đã rút toàn bộ các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên để chấm thẩm định.
Kết quả, 100% bài thi trùng khớp kết quả chấm thi ban đầu. Như vậy, không cói điểm thi nào thay đổi so với số điểm Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình chấm và công bố ngày 11/7 trước đó. Với kết quả chấm thẩm định đó, Bộ GD&ĐT cho rằng, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình đã thực hiện đúng theo quy trình chấm thi của quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ. Công tác thanh tra, giám sát chấm thi thực hiện theo đúng quy định.
Cụ thể, các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc trong túi đựng bài thi, file ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trên máy tính bảo đảm đúng quy định. Các bài thi của thí sinh đều đủ chữ ký của thí sinh và cán bộ coi thi.
Kết quả rà soát của tỉnh Bạc Liêu khẳng định, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 sở GD&ĐT đã thực hiện tốt từ khâu chuẩn bị, coi thi, chấm thi theo đúng quy chế. Kết quả rà soát các khâu cũng được khẳng định, địa phương thực hiện đúng quy trình, không có sai sót, vi phạm quy chế thi.
Cũng theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, về cách xếp hạng trung bình điểm thi đối với Bạc Liêu, năm 2017, địa phương xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố với mức điểm trung bình là 5,62 điểm thì năm 2018 địa phương xếp thứ 7/63 với điểm trung bình là 5,31.Có được kết quả đó là do sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh được ôn tập, nắm chắc kiến thức và địa phương đã duy trì, phát triển ổn định chất lượng giáo dục.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&DT tỉnh Lai Châu cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đơn vị đã tiến hành rà soát các khâu của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Công việc rà soát tập trung ở các khâu như: coi thi, chấm thi. Kết quả cho thấy, địa phương đã thực hiện các khâu nghiêm túc, đúng quy chế, không có gì bất thường. Cũng theo ông Tuấn, địa phương đã tiến hành soát đặc biệt đối với khâu chấm thi. Cụ thể, là làm kỹ từng khâu như: tiếp nhận bài thi, làm phách, chấm thi bài tự luận, chấm bài trắc nghiệm…
Kết quả không lạ
Như vậy, sau khi dư luận có những đồn đoán, nghi ngờ về điểm số các địa phương, Bộ GD&ĐT đã lập tổ công tác về Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn để xác minh. Kết quả, tổ công tác đã phát hiện Hà Giang và Sơn La đã phát vi phạm nghiêm trọng về quy chế thi, gian lận chỉnh sửa điểm thi với số lượng bài thi không nhỏ. Nếu sự việc ở Hà Giang khiến dư luận sốc về những con số, biến hóa từ điểm liệt lên điểm 9 với lượng bài thi khủng lên tới 330 bài thì ở Sơn La lại có tính chất phức tạp, tinh vi.
Đặc biệt, người có trách nhiệm lớn trong kỳ thi lại là người can thiệp bài thi, điểm thi như ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này. Riêng Lạng Sơn, Tổ công tác không phát hiện gian lận trong kỳ thi nhưng khi chấm thẩm định lại nhiều bài thi đã bị hạ điểm.
Trong khi đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đồng loạt tự rà soát và báo kết quả về Bộ thì tính đến thời điểm này, đa số địa phương đều báo cáo kết quả, thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế thi THPT quốc gia. Điều đáng nói, ngay như ở Sơn La, trước khi có tổ công tác của Bộ GD&ĐT lên làm việc, trả lời báo chí, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cũng khẳng định: “Trong suốt kỳ thi vừa qua, chúng tôi đã làm đúng các quy trình, quy định. Tôi chỉ đạo anh em làm trực tiếp đúng theo quy trình. Không vi phạm quy chế thi, không có bất thường nào cả”
Ông Phạm Tất Dong, Nguyên phó trưởng ban tuyên giáo T.Ư cho rằng, kết quả báo cáo: đúng quy trình, nghiêm túc là điều không lạ. Bởi vì, dù có nghi ngờ cũng không ai nói cái xấu của địa phương mình để bị kỷ luật.