Tự nguyện hay bắt buộc đều như nhau?!

[Ngày Nay] - Thời điểm này, một số trường học ở Hà Nội đã tổ chức thu các khoản tiền đầu năm học 2018-2019. Bên cạnh các khoản thu bắt buộc, nhiều trường vẫn công khai gửi đến phụ huynh những danh mục đóng tiền mang tính chất tự nguyện nhưng chẳng phụ huynh nào dám… từ chối.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cấm lợi dụng danh nghĩa ban đại diện học sinh để lạm thu

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi thềm năm học mới, bao giờ Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đưa ra nội dung liên quan đến kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có Công văn số 3120/SGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2018 - 2019 gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các trường THPT và các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập phải tuân thủ nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên.

Đối với việc dạy thêm, học thêm, nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường. Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Chấm dứt việc thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường.

Đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh; ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập chỉ được tiến hành thu các khoản thu khác sau khi có thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh; không thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học.

Chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.

Như vậy, ngoài khoản thu phục vụ hoạt động thì Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu thêm bất cứ khoản nào khác. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng để học sinh, phụ huynh kịp thời phản ánh các khoản thu không đúng quy định trong năm học mới.

Cấm cứ cấm…

Trên thực tế, nhiều trường lạm thu các khoản tiền đầu năm đã bị xử lý và bêu tên công khai. Đơn cử năm học trước, 30 phòng GD - ĐT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ráo riết đi kiểm tra hơn 660 trường ở cả 3 cấp học. Qua quá trình kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều trường học lạm thu, xử lý 20 trường hợp lạm thu khiến phụ huynh bức xúc, từ Cầu Giấy đến Mê Linh, Thanh Trì, Hà Đông, Ba Vì… Tất cả các trường phát hiện vi phạm, Sở đều tiến hành xử lý kiểm điểm hoặc khiển trách Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhà trường.

Thế nhưng, trước quy định cứng rắn của Sở GD-ĐT Hà Nội mới ban hành, nhiều phụ huynh dự đoán, mức thu đầu năm vẫn không có gì thay đổi.

“Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn có thể “lách” luật bằng cách gộp các khoản thu lại làm một thành khoản phục vụ hoạt động” – chị Ngô Oanh, một phụ huynh quận Hai Bà Trưng thẳng thắn.

Chị Oanh chia sẻ: Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh không liệt kê các khoản phải thu ra mà chỉ thu đúng 1 lần với một khoản là kinh phí hoạt động thì về mặt pháp lý họ không sai, nhưng bản chất thì không khác trước kia là mấy. Thực tế chỉ có tiền học phí là bắt buộc, nhưng đi kèm là đủ các loại tự nguyện: bảo hiểm các loại, tiền đoàn đội, chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, hỗ trợ bán trú, đồng phục, quỹ phụ huynh, sổ liên lạc điện tử... Tất cả các khoản này đều cao hơn khoản đóng chính. Chưa kể hàng tháng, tùy từng trường hợp, các bậc phụ huynh còn phải đóng các khoản tiền học như: Học 2 buổi/ngày 150.000 đồng/tháng, chăm sóc bán trú 150.000 đồng/tháng, nước uống 12.000 đồng/tháng; sổ liên lạc điện tử 30-40.000 đồng/tháng… Nhiều khảon phát sinh khiến phụ huynh “ù tai”.

Một phụ huynh khác có con học trường tiểu học Trung Tự bày tỏ quan điểm: “Việc liệt kê các khoản thu chỉ là hình thức thôi, ban đại diện học sinh cứ thế thu một khoản chung chung là phục vụ hoạt động như mọi năm và chi không khác gì năm ngoái. Sở GD-ĐT ban hành văn bản hay không chỉ là… vô nghĩa, không giải quyết dứt điểm vấn đề lạm thu”.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng- nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội, điều quan trọng là nhận thức, tự nguyện của từng cha mẹ học sinh về các khoản thu chi trong năm học của con mình, không phải cứ chi nhiều khoản tiền là con sẽ học tốt, giáo viên tận tình chỉ bảo và không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để theo nộp nhiều khoản tiền.

Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập phải tuân thủ nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.