Pepper là một phần của nghiên cứu toàn cầu có tên CARESSES, do Liên minh Châu Âu và chính phủ Nhật Bản đồng tài trợ, nghiên cứu việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Các nhà khoa học thuộc dự án CARESSES cũng phát hiện ra rằng "sau 2 tuần sử dụng hệ thống, có một tác động nhỏ nhưng tích cực đến mức độ cô đơn ở những người nói chuyện với Pepper."
Tư duy của robot Pepper hoàn toàn tự chủ, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai. Nó cũng có tính năng giống một máy tính bảng như chơi nhạc và giải trí, cũng như không chỉ hỏi và trả lời câu hỏi mà còn có thể tham gia một cuộc trò chuyện.
Đặc biệt, Pepper được cài đặt để có thể đáp ứng nhu cầu và sở thích cụ thể về văn hóa của những người mà nó đối thoại.
Tiến sĩ Chris Papadopoulos, giảng viên chính về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Bedfordshire của Vương quốc Anh, là tác giả chính của dự án kéo dài 3 năm này.
Ông Papadopoulos mô tả nghiên cứu này là "đột phá", và nói thêm: "Kết quả cho thấy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo CARESSES trong các robot như Pepper có lợi ích trong một thế giới ngày càng có nhiều người cao tuổi sống cô đơn trong các nhà dưỡng lão".
Khi bắt tay vào nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 2016, nhóm nghiên cứu không thể lường trước được đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng rất lớn đến người cao tuổi trên toàn thế giới.
“Khi chúng tôi bắt đầu dự án, tình trạng cô đơn ở người cao tuổi là một vấn đề thực sự lớn đang gia tăng mọi lúc và là một vấn đề mà chúng tôi muốn giải quyết", ông Papadopoulos cho biết. "Trong bối cảnh đại dịch như hiện tại, các nhà dưỡng lão đang áp dụng các biện pháp giãn cách, khiến nhiều người cao tuổi không thể đoàn tụ với gia đình. Đây chính là cơ hội để chúng tôi kiểm nghiệm tác dụng của Pepper".
Ông Papadopoulos ước tính sẽ mất thêm 2 đến 3 năm nghiên cứu, phát triển thương mại và tài trợ trước khi các robot như Pepper thực sự có thể được đưa vào các nhà dưỡng lão.