Một đứa trẻ tự kỷ vất vả 7-8 tháng trời mới viết được một chữ O, không biết phải mất bao năm mới có thể nhớ bảng chữ cái, nhưng kì diệu thay, chỉ được dạy trong 2 ngày, chúng có thể khâu hoàn chỉnh một chiếc túi nhỏ để tặng mẹ và bà. Nghệ thuật khiến tụi trẻ tự kỷ háo hức và say mê đến lạ.
____________
Đó là điều thú vị mà một cô giáo ở Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội (ngõ Thịnh Hào 1, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) chia sẻ khi thấy tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn các cậu bé mắc chứng tự kỷ ngồi ngay ngắn trên bàn, lúi húi bôi hồ, dán giấy, tự làm ra những quyển sổ sặc sỡ bọc bìa vải, hay tự làm những phong bao lì xì từ những nét vẽ nghệch ngoạc của mình.
“Tôi luôn muốn nói với các bố mẹ có con mắc chứng tự kỉ rằng, đừng kì vọng ở con quá nhiều, đừng mong con sẽ học giỏi, chờ đợi con có thể làm bác sĩ, kỹ sư, hãy dạy con những kỹ năng đơn giản, rồi kỹ năng tiền hướng nghiệp như cầm kéo, bôi hồ… cho các con được thử làm những gì mình thích, cho con cơ hội tiếp xúc với hội họa, âm nhạc, vì đôi khi điều đó khiến tụi trẻ say mê, háo hức vì những khả năng đặc biệt của chúng” – chị Chu Thị Chung Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội cho biết.
Những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ khi bước vào Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội được trao cơ hội trải nghiệm, thử tận tay làm đồ handmade như nơ cài đầu, dây chun buộc tóc, đóng sổ có bìa vải, làm hoa giấy tặng mẹ ngày 8-3… Tất tần tật những sản phẩm giàu tính thiện ấy sẽ được rao bán trên Facebook, hoặc bán qua kênh bạn bè, đồng nghiệp của các cô giáo, cán bộ… Số tiền ấy quay vòng cho hoạt động của Trung tâm, cũng là cách để trẻ tự kỷ được nhận lương từ chính công sức lao động của mình.
Nhìn những phong bao lì xì không cái nào giống cái nào, những bức tranh đủ màu sặc sỡ trong Trung tâm, mới thấy con mắt của trẻ tự kỷ không hề đơn điệu. “Đừng bảo trẻ tự kỷ không có cảm xúc, thậm chí cảm xúc của chúng rất mạnh, cô giáo đôi khi phải “nương theo” để cùng chúng làm đồ handmade hay dạy chúng học các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Có hôm đứa trẻ tự kỷ không vui, chúng lặng lẽ tô hoa đào bên ngoài phong bao lì xì Tết toàn màu nâu và đen. Hôm nào chúng hứng lên, chúng cho cành đào nở hoa 5-6 màu chứ không riêng gì màu hồng, màu trắng...” - một cô giáo hóm hỉnh kể.
Các cô giáo trong Trung tâm tôn trọng sự phiêu ấy, và hi vọng xã hội cũng ủng hộ, thay vì thấy lem nhem mà lờ đi.
“Không phải bạn tự kỷ nào cũng có khả năng làm thuần thục đồ handmade khi được dạy, cũng không phải đứa trẻ nào cũng chẳng có khả năng làm gì. Tự kỷ là một thế giới phong phú, mình phải tìm được điểm mạnh của từng bạn để dẫn dắt chúng làm đúng sở trường, sở thích của mình. Chẳng hạn, cô giáo pha nước màu nâu, sau đó chấm vào phong bao lì xì, sau đó dạy các bạn ấy thổi ra các nhánh để tạc thành cây hoa đào... Công đoạn khó hơn thì nhiều bạn không làm, các bạn “giỏi hơn” sẽ tiếp sức bằng cách chấm những đốm nhỏ li ti thành bông hoa đào, bạn thành thục hơn nữa thì giúp cô dập chữ Chúc mừng năm mới bên trên...” – chị Thủy nói.
Niềm vui của trẻ tự kỷ khi làm xong một bao lì xì, một cái chun buộc tóc là một thì niềm hạnh phúc của các cô giáo nhân lên 10. Những niềm vui ấy đến bất ngờ, không dự báo trước. Chị Thủy cười: “Có khi 6 tháng trời con không có chút tiến bộ nào, nhiều lúc cô thấy, mệt mỏi, nhưng bất ngờ sang tháng thứ 7, con lại cầm kéo lành nghề, hoặc con đếm được 10 chiếc bao lì xì để vào từng tệp nhỏ cho cô… Từng hành động nhỏ làm cô chảy nước mắt. Những niềm vui không phải giáo viên nào cũng có cơ hội trải nghiệm”. Trẻ mắc chứng tự kỷ sống rất tình cảm, chúng có thể láu táu xông đến đấm vai cho cô giáo đỡ mỏi, chúng có cả những ước mơ nhỏ nhoi như Kim Tuấn muốn làm thật nhiều các sản phẩm handmade để bán, Tuấn Tú muốn chắt chiu tiền mua chiếc điện thoại mới…
Ở bên chúng nhiều, mới có thể hiểu và chiều theo những cảm xúc trầm bồng không theo bất cứ quy luật nào của chúng.
Chị Chu Thị Chung Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội là người gắn bó khá lâu với nhóm trẻ đặc biệt. Từng theo học ngành giáo dục đạc biệt, sau đó đầu quân làm giáo viên của nhiều trung tâm dạy trẻ chuyên biệt, cả các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nạn nhân bị bạo hành, trong đó có nhiều trẻ bị ảnh hưởng chậm phát triển... chị lúc nào cũng đau đáu mảng dạy trẻ tự kỷ hay những đứa trẻ chậm phát triển.
Chị bảo, có rất nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ, nhưng rất ít trung tâm dạy kĩ năng nghề nào đó để các bạn đó làm được sản phẩm, bán ra, lấy lương và hòa nhập cộng đồng. Chị muốn trao cho trẻ tự kỷ cơ hội thực hiện ý tưởng của mình. Ở Trung tâm này, trẻ được dạy theo 3 mô hình, một là lớp can thiệp (dạy trẻ các vận động tinh, thô, kỹ năng hướng nghiệp như dùng dao, kéo, bột, hồ...); hai là lớp kỹ năng (dạy văn hóa theo trình độ trí tuệ của từng đứa trẻ, dạy trẻ quét dọn, sắp xếp đồ, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình...); ba là lớp hướng nghiệp, học hội họa, học làm đồ handmade để trẻ có thể bán đồ, nhận lương và dần hòa nhập cộng đồng.
Từ trước đến nay, trẻ tự kỷ ở Trung tâm chỉ mới mày mò làm sổ cá nhân, làm chun buộc tóc, phong bao lì xì Tết hay làm hoa giấy… Mỗi cuốn sổ có giá khoảng 40-45.000/cuốn, bao lì xì bán giá 30.000/10 cái... Ý tưởng sắp tới của Trung tâm là phát triển cửa hàng hoa, để dạy trẻ tự kỷ bó hoa, đi ship hoa cho khách, thú vị hơn là cho các con làm tranh hoa khô tận dụng từ những bông hoa khô...
“Các bạn tự kỷ thường có hành vi lặp lại, chỉ cần kiên nhẫn dạy mỗi bạn một quy trình, phát hiện các bạn làm các mảng phù hợp thì lâu dài sẽ gặt hái được quả ngọt. Chúng tôi luôn muốn kết nạp nhiều trẻ tự kỷ, trao cho các con cơ hội được lao động, được học nghề... Tất nhiên, Trung tâm chưa dám nhận những trẻ tự kỷ mà kỹ năng vệ sinh cá nhân chưa thành thục, còn lại, mỗi đứa trẻ đều có những khả năng đặc biệt cần được khai quật” – chị Thủy chia sẻ thêm.
Rất nhiều dự án hay, kế hoạch hay được vạch ra nhưng để các cô giáo, cán bộ Trung tâm triển khai thành công là cả một quá trình, còn rất nhiều khó khăn phía trước. Dù luôn có những Mạnh thường quân bên cạnh, có những tấm lòng hảo tâm đồng hành với các bé tự kỷ, nhưng sau này, các cô giáo và cán bộ ở Trung tâm tự động viên nhau, vừa làm vừa khắc phục khó khăn, làm đến đâu khắc phúc đến đấy, cứ làm rồi sẽ có cách.
Điều trăn trở hơn là sau khi học được nghề, trẻ tự kỷ có thể tìm được công việc lâu dài hòa nhập cộng đồng hay không, còn là điều bỏ ngỏ phía trước. Trên thực tế, Luật Người khuyết tật ra đời năm 2010 là bước tiến quan trọng hướng tới hoàn thiện luật pháp, không còn rào cản đối với người tự kỷ. Tuy nhiên, Trong Luật Người khuyết tật, tự kỷ cũng chưa được xếp cụ thể là dạng khuyết tật nào, cũng chưa có văn bản pháp lý nào cho thấy người tự kỉ là người khuyết tật để được hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp, đào tạo nghề…
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, Điều 44 Luật trẻ em nêu rõ, toàn bộ trẻ em bao gồm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được phổ cập giáo dục, nhưng vấn đề quyền và nhu cầu của trẻ em tự kỷ là dạng khuyết tật đặc biệt chưa được đưa vào trong luật. “Trong những năm qua, các bậc phụ huynh, chuyên gia đã kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo ngành chức năng nhưng đến nay chưa có kết quả. Đến nay, vẫn chưa có chính sách gì cho trẻ tự kỷ, chưa được nêu cụ thể trong luật. Trẻ tự kỷ có 3 loại rối loạn phát triển trong đó có hội chứng tự kỷ chưa rõ ràng. Cần có văn bản kiến nghị đưa lên cấp trên sớm bổ sung luật, sớm có nghị định bởi chính sách phải nằm trong luật”,
Bài: Việt Đan
Thiết kế: Thúy Hà