Bỏ thì thương….
Trước khi AFA có văn bản gửi Bộ VHTT&DL, Hiệp hội Bảo vệ động vật Châu Á đã từng “tuýt còi” đoàn xiếc trong Đàm Sơn, TP HCM về việc cấm không cho biểu diễn xiếc thú.
Lý do mà AFA đưa ra là Tổ chức Động vật châu Á cho biết hiện có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp, cần phải bảo vệ. Theo những thông tin mà các điều tra viên thu thập được, có rất nhiều cá thể bị nuôi nhốt trái phép. Những con vật sống trong điều kiện vô cùng nghèo nàn ở các gánh xiếc, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi động vật. Chúng bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ. AFA bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xem xét, phối hợp với AFA chấm dứt hoàn toàn sự bóc lột động vật tại các cơ sở biểu diễn xiếc.
Nếu nhìn vào thực trạng đìu hiu của ngành xiếc nói chung, và cơ sở vật chất sơ sài của nhiều sân khấu xiếc trong nước, thì rõ ràng, không thể phủ nhận điều kiện sống vô cùng nghèo nàn của động vật diễn xiếc. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ biểu diễn xiếc tỏ ra nuối tiếc nếu sân khấu xiếc vắng bóng động vật.
Bà Tâm Chính - Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho rằng, nếu không có xiếc thú trong các chương trình biểu diễn thì khán giả, đặc biệt là các cháu thiếu nhi sẽ rất buồn. Những con thú hoang dại nhưng được đưa về làm xiếc bao giờ cũng được huấn luyện, chăm sóc, thương yêu và dạy dỗ những động tác để phục vụ khán giả. Những người huấn luyện xiếc thú luôn có trái tim yêu thương mới thuyết phục và dạy được con thú.
Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, trong nhiều năm qua, các tiết mục xiếc thú của ngành xiếc Việt Nam rất đa dạng, đặc sắc và phong phú. Những hành động và tình cảm giao lưu giữa huấn luyện viên và các “diễn viên xiếc thú” trên sân khấu đã góp phần giáo dục cho các thế hệ thiếu nhi tình cảm yêu thương, quan tâm và gần gũi hơn nữa của con người đối với các loài động vật. Điều này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh thường thấy về một số loài động vật được sử dụng ở các lĩnh vực như: sử dụng ngựa để thồ hàng; voi để kéo gỗ, chở khách tham quan du lịch; chó để thi đấu, kéo xe trượt tuyết...
Một nghệ sĩ Liên đoàn xiếc Việt Nam lên tiếng: Rất nhiều gánh xiếc đã “đổ” vốn mua và huấn luyện động vật, không thể nói xóa sổ trong một sớm một chiều, cần phải có lộ trình. Nhưng theo ý kiến cá nhân của riêng anh, sân khấu biểu diễn xiếc không thể không có biểu diễn xiếc thú bởi mỗi con vật đều gắn liền với ký ức tuổi thơ lẫn việc giáo dục cho trẻ em.
Xu thế tất yếu
Năm 2010, nước Anh cấm sử dụng voi, sư tử và những loài động vật hoang dã khác vào các trò xiếc và chỉ cho phép dùng các loài được nuôi trong nhà như thỏ, mèo, chó. Lần lượt nhiều quốc gia trên thế giới cũng tiếp bước, nói không với việc sử dụng động vật hoang dã làm trò vui cho thiên hạ, đó là Thụy Điển, Áo, Phần Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ấn Độ… Bolivia gần đây nhất cũng ra quy định cấm sử dụng động vật trong diễn xiếc, dù nuôi thuần chủng hay hoang dã. Vì mua vui cho con người, động vật hoang dã phải rời xa bầy đàn và sống trong một không gian chật hẹp. Các nước đang chung tay đưa động vật hoang dã trở về với tự nhiên để công tác bảo tồn được thực hiện dễ dàng hơn.
Tại Việt Nam, theo nhiều người phụ huynh có con nhỏ, sân khấu xiếc không chỉ có xiếc động vật, nó còn nhiều trò vui khác hấp dẫn lũ trẻ như hề, trò tung hứng, ảo thuật… “Thiếu động vật hoang dã không khiến sân khấu xiếc “mất lửa”, con gái tôi thậm chí rất sợ các tiết mục biểu diễn có động vật. Nó khóc khi nhìn những chú khỉ phải vất vả nâng tạ, rồi nhảy nhót, đạp xe... trong khi cổ vẫn thòng lòng sợi dây. Thỉnh thoảng nghệ sĩ xách nó lên khiến sợi dây lủng lẳng như treo cổ, nhìn rất tội nghiệp” – anh Hồng Đăng, CT8 chung cư Mỹ Đình - Sông Đà, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ. Không ít những buổi diễn xiếc, phía trên sân khấu nhạc tưng bừng, phía dưới trẻ con “khóc thét” vì thấy chú chó bị “cưỡng chế” lên xà, đẩy xe, chú voi lững thững đi như vô hồn. Thậm chí có cả trường hợp nghệ sĩ bị chấn thương đổ máu ngay trước mặt nhiều khán giả nhí khi liều lĩnh đưa đầu vào miệng cá sấu…
Theo nhiều người dân, về xu thế, trong tương lai, rạp xiếc nên thay thế các động vật hoang dã bằng các vật nuôi gần gũi với con người để giảm rủi ro, nhưng điều tốt hơn là trả động vật hoang dã về môi trường sống đúng nghĩa của nó.
"Thiếu động vật hoang dã không khiến sân khấu xiếc “mất lửa”, con gái tôi thậm chí rất sợ các tiết mục biểu diễn có động vật. Nó khóc khi nhìn những chú khỉ phải vất vả nâng tạ, rồi nhảy nhót, đạp xe... trong khi cổ vẫn thòng lòng sợi dây. Thỉnh thoảng nghệ sĩ xách nó lên khiến sợi dây lủng lẳng như treo cổ, nhìn rất tội nghiệp"
Anh Hồng Đăng, CT8 chung cư Mỹ Đình - Sông Đà chia sẻ