Hội thảo nhằm tạo tiền đề để các nhà hoạch định chính sách thể thao ở mỗi quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của việc phụ nữ, trẻ em gái tham gia vào thể thao; khuyến khích họ tham gia vào thể thao trong bối cảnh văn hóa, xã hội của từng quốc gia thành viên ASEAN.
Hội thảo cũng góp phần cung cấp kiến thức, công cụ cần thiết, giúp nhà hoạch định chính sách thể thao ở ASEAN hiểu rõ quan điểm về bất bình đẳng giới mang tính cơ cấu và tận dụng vị thế chiến lược để phổ cập phương pháp tiếp cận nhằm giải quyết vấn đề về giới. Cùng với đó, các bên liên quan xây dựng chiến lược, tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách thể thao ASEAN trao đổi, tham gia phát triển chiến lược trung, dài hạn về bình đẳng giới trong thể thao tại mỗi nước.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Tổ chức hội thảo. Hội thảo sẽ có đoàn đại biểu quốc tế, gồm Ban Thư ký ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN, Timor-Leste, Nhật Bản và giảng viên tham gia. Đại biểu Việt Nam gồm đại diện Cục Hợp tác quốc tế, Cục Thể dục thể thao thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao lần thứ 14 (SOMS-14) ngày 30/8/2023 (tại Chiang Mai, Thái Lan), Việt Nam được chọn để phối hợp với Nhật Bản, Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo ASEAN-Nhật Bản về bình đẳng giới tại Việt Nam. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Hành động ASEAN-Nhật Bản về thể thao. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án tổ chức.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao vào tháng 8/2015 tại Malaysia, Nhật Bản đã đề xuất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Nhật Bản lần thứ nhất vào năm 2017 cùng thời điểm với Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao. Cụ thể, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Nhật Bản về thể thao lần đầu tiên diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar vào tháng 10/2017 đã thống nhất về 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác về thể thao giữa ASEAN và Nhật Bản.
Đó là: Phát triển đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất và huấn luyện viên; Phụ nữ với thể thao; Thể thao cho người khuyết tật và Phòng chống doping. Sau khi thảo luận sâu hơn, ASEAN và Nhật Bản đã đồng ý bắt đầu hợp tác từ lĩnh vực khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực thể thao tại ASEAN. Nhiều hoạt động đã được triển khai, gồm đánh giá, hội thảo và chiến dịch tăng cường nhận thức cộng đồng, nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao trên khắp ASEAN.
Năm 2023 và các năm tiếp theo, Nhật Bản và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về thể thao và bình đẳng giới (SGE) tại Đại học Seijo, tiếp tục triển khai Hội thảo trực tiếp cho các nhà hoạch định chính sách để theo dõi kế hoạch hành động về bình đẳng giới trong thể thao đã được đề ra trong năm 2021; nghiên cứu về những thách thức và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao, hoạt động thể chất.
Năm 2024-2025, theo kế hoạch luân phiên, Việt Nam sẽ chủ trì Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao (SOMS), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao (AMMS) và các hội nghị liên quan; phối hợp tổ chức các hoạt động của ASEAN trong lĩnh vực thể thao. Do vậy, việc Việt Nam phối hợp với Nhật Bản và Ban Thư ký ASEAN tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Nhật Bản về thể thao trong đó có Hội thảo ASEAN - Nhật Bản về bình đẳng giới tại Việt Nam là cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN...