Trong khoảng 3 năm từ năm 1888, kẻ sát nhân hàng loạt này là nỗi khiếp đảm với người dân London và sự xấu hổ của cảnh sát nước Anh khi lần lượt 11 nạn nhân, trong đó đa phần là phụ nữ, bị sát hại một cách tàn bạo và bệnh hoạn. Tuy nhiên, danh tính đích thực của kẻ giết người cho đến nay vẫn nằm sau bức màn đen bí ẩn.
Jack the Ripper - Cơn ác mộng kinh hoàng của người dân London |
Những nạn nhân xấu số
Cơn ác mộng “Jack the Ripper” bắt đầu vào thứ Sáu, ngày 31/8/1888, khi cơ thể của một phụ nữ tên là Mary Ann Nicholls, 42 tuổi, được tìm thấy ở phố Bucks Row (nay là phố Durwald Street). Mặt mũi nạn nhân bầm tím và cổ họng bị cứa hai vết sâu khiến đầu gần như lìa khỏi cổ. Bụng của Nicholls bị rạch toang. Nicholls sau đó đã được công nhận là nạn nhân đầu tiên của “Jack the Ripper".
Nạn nhân của sát nhân đồ tể bị giết hại một cách dã man, bệnh hoạn |
Ngày 8/9/1888, nạn nhân thứ hai đã được phát hiện. Đó là Annie Chapman, 47 tuổi, một phụ nữ sống bằng nghề “ăn sương”. Thi thể của cô được tìm thấy trên một lối đi bộ phía sau phố Hanbury. Một số tài sản cá nhân vương vãi xung quanh. Cũng giống như Nicolls, hầu như không còn phần nội tạng nào của Chapman còn nguyên vẹn.
Ngày 28/9, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư ký tên “Jack the Ripper” tự nhận là tác giả của hai vụ thảm sát nói trên và đe dọa sẽ còn nhiều nạn nhân nữa. Cái tên “Jack đồ tể” nhanh chóng hằn sâu vào nỗi sợ hãi của người dân sau khi nó xuất hiện trên nhiều tờ báo cùng lúc. Cả khu vực Whitechapel ở East End hoảng loạn. Một số kẻ quá khích thậm chí còn tấn công bất cứ ai mang theo túi màu đen sau khi có tin đồn lan truyền rằng “Jack the Ripper” luôn mang dao trong túi để sẵn sàng hành động.
Bức thư thách thức viết bằng máu của Jack đồ tể gửi cho cảnh sát |
Ngày 30/9/1888, tức chỉ hai ngày sau, đã cho thấy những lời đe dọa của “Jack the Ripper” không phải là đe dọa suông, khi mà có tới hai nạn nhân nữa bị sát hại trong khoảng thời gian cách nhau không lâu. Elizabeth Stride là một trong hai người phụ nữ không may mắn đó. Xác của cô gái điếm này được tìm thấy ở phố Berner vào lúc 1 giờ sáng, khi máu vẫn còn đang chảy ra từ cổ họng. Hiện trường xung quanh cho thấy dường như đã có một cuộc vật lộn dữ dội giữa nạn nhân và thủ phạm.
Nạn nhân tiếp theo được phát hiện chỉ 45 phút sau đó, trên một con hẻm chỉ cách phố Berner vài phút đi bộ. Chứng kiến thi thể của Crtherine Eddowes, 43 tuổi, không ai có thể kìm nén được lòng thương cảm. Lần theo dấu máu hiện trường, cảnh sát tìm đến một ô cửa gần đó, nơi một dòng chữ được viết bằng phấn: "Người Do Thái không phải là những người không bị buộc tội". Không hiểu vì lý do gì mà, Charles Warren, Giám đốc cảnh sát Luân Đôn khi đó đã ra lệnh xóa dòng chữ này. Vì vậy, một trong những manh mối có giá trị nhất đã bị phá hủy.
Sự kinh dị của hai vụ giết người xảy ra gần như đồng thời đã bóp nghẹt tinh thần người dân London. Người ta rỉ tai nhau những tin đồn kiểu như “Jack the Ripper” là một bác sĩ điên rồ, một người Ba Lan mất trí, một người Nga và thậm chí một nữ hộ sinh thần kinh. Sau đó, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư khác từ “Jack the Ripper" nói rằng hắn rất tiếc vì đã không thể gửi cho cảnh sát cái tai của nạn nhân như đã hứa.
Ngày 9/11, “Kẻ sát nhân đồ tể” tái xuất giang hồ. Nạn nhân mới nhất tên là Mary Jeanette Kelly, một cô gái 25 tuổi xinh xắn. Thi thể của cô được tìm thấy trong phòng trọ tại khu nhà Millers ở phố Dorset Street (ngày nay là phố Duval Street). Cảnh tượng trong phòng vô cùng kinh khủng. Người thu tiền nhà trọ phát hiện ra thi thể của Kelly, nói: "Tôi sẽ bị ám ảnh từ nay đến cuối đời".
Một góc Whitechapel, nơi tội phạm London ẩn nấp |
Kelly được coi là nạn nhân chính thức cuối cùng của “Jack the Ripper”. Nhưng trên thực tế, ngoài 5 nạn nhân nói trên còn có 6 phụ nữ khác bị giết hại ở các địa điểm khác nhau và theo cách thức khác nhau, giữa các vụ có những điểm chung: Đó là xảy ra trong địa phận Whitechapel, nạn nhân thường là gái điếm và thi thể của họ không bao giờ còn nguyên vẹn. Vì vậy họ được gọi chung là nạn nhân của “các vụ giết người ở Whitechapel”. Sự hoảng sợ và giận dữ của công chúng trước kẻ sát nhân bệnh hoạn đã buộc Giám đốc Cảnh sát Luân Đôn khi đó là Charles Warren phải từ chức.
Thủ phạm chính xác là ai?
Theo phán đoán của cảnh sát, chỉ còn 4 nhân vật có tình nghi lớn nhất là “Jack the Ripper”, bao gồm: Kosminski, một người Ba Lan gốc Do Thái sống trong khu ổ chuột của Whitechapel; Montague John Druitt, một luật sư kiêm giáo viên đã tự tử vào tháng 12/1888; Michael Ostrog, một kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp và lừa gạt; và Francis J. Tumblety, 56 tuổi, một lang băm người Mỹ bị bắt vào tháng 11/1888 vì tội quấy rối tình dục và đã chuồn khỏi nước Anh sau khi được bảo lãnh tại ngoại. Tuy nhiên, để khoanh vùng bốn nghi phạm này cảnh sát chỉ dựa trên phân tích và phán đoán chứ không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Vì vậy, kẻ “sát nhân đồ tể” chưa bao giờ bị mang ra xét xử.
Ngày nay, hồ sơ vụ án đã được khép lại nhưng đề tài “Jack the Ripper” vẫn luôn nóng hổi trong các tác phẩm văn học, báo chí, điện ảnh và nhiều loại hình dịch vụ ăn theo ở nước Anh. Sự bí hiểm của vụ sát nhân hàng loạt đã được đẩy lên tới mức toàn bộ sự thật đã được kịch tính hóa và nhào nặn để rồi trong đầu người dân ngày nay chỉ còn đọng lại các tình huống và hình ảnh hư cấu.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tội phạm học của Anh đã công bố phát hiện của mình về nơi ở thực sự của Jack the Ripper. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật, thuật toán máy tính, các chuyên gia đã xác định được vị trí của kẻ sát nhân này khi y đang lộng hành, gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng liên tiếp vào năm 1888 - đó là khu Flower và Dean Street nổi tiếng ở phía East End, thủ đô London.
Khu Flower và Dean Street - Địa bàn hoạt động của Jack đồ tể |
East End được biết đến là một khu vực nhếch nhác như khu ổ chuột - trái ngược hoàn toàn với West End - khu dành cho người giàu. East End tập trung nhiều ngành nghề vất vả và ô nhiễm nhất thành phố: thuộc da, chưng cất bia rượu, xưởng đúc kim loại, lò thủy tinh, lò mổ...
Tiến sĩ Kim Rossmo và Steve Le Comber thuộc ĐH London đã sử dụng thuật toán để truy tìm vị trí tung tích của tên sát nhân này. Theo đó, ông nhận thấy tất cả các nạn nhân đều sống rất gần với khu Flower và Dean Street. Vì vậy để có thể thực hiện các vụ án, y cũng phải ở khu vực xung quanh đây.
Theo Le Comber, vào thời điểm đó, những dấu hiệu kiểu này là một trong những dấu vết quan trọng để lần ra tung tích của kẻ sát nhân. Nhưng thật tiếc, nó đã bị các điều tra viên thời đó bỏ sót. Ông cũng dự đoán rằng, rất có thể "Jack the Ripper" đã mắc một chứng bệnh về thần kinh nên đã gây ra nhiều vụ án như vậy. Tuy nhiên, ông cũng bất ngờ trước sự tài tình trong việc xóa bỏ mọi dấu vết của kẻ sát nhân này.
Le Comber dự đoán, kẻ sát nhân bí ẩn này có thể đã chết, bị đưa vào bệnh viện tâm thần hoặc đã bị bỏ tù. Và danh tính đích thực của kẻ giết người này cho đến nay vẫn nằm sau bức màn đen bí ẩn.
Trang Ly (Tổng hợp)
Xem thêm:
- 10 kẻ sát nhân hàng loạt tàn độc nhất lịch sử tội phạm quốc tế
- Zodiac - Kẻ giết người bí ẩn nhất lịch sử nước Mỹ
- 10 nữ sát thủ khét tiếng nhất trong lịch sử tội phạm quốc tế
- Top những siêu phẩm kinh dị ‘hại não’ nhất trong mùa Halloween
- 5 vụ án mạng trong đêm Halloween kinh hoàng nhất lịch sử Mỹ