Một nhiệm kỳ nhiều sóng gió
Nhiệm kỳ VII Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) từng được đặt nhiều kỳ vọng với nhiều gương mặt doanh nhân. Đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng từng có lúc nắm cả hai doanh nghiệp lớn, Eximbank và Công ty vàng bạc đá quý SJC. Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từng nhiều năm trong tốp những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Người ta chờ đợi với những doanh nhân giỏi kiếm tiền như ông Dũng, ông Đức, bóng đá Việt Nam sẽ bội thu tiền bạc.
Ngày đắc cử, Chủ tịch Lê Hùng Dũng từng tuyên bố có thể đem về mỗi năm 300 tỉ đồng cho VFF, làm giàu ngân quỹ Liên đoàn một cách tối đa. Ít ai có thể nghĩ, nhiệm kỳ VII VFF lại trải qua lắm biến động và sóng gió đến vậy. “Chờ xem, cái BCH ấy liệu có trụ được băm bảy hai mốt ngày không”-đây là lời tiên liệu của một quan chức ngành thể thao, vốn sâu sát với bóng đá, nắm không ít chuyện hậu trường tới từng chân tơ kẻ tóc.
Quả thực sau hơn 1 năm đầu tiên vận hành trơn tru, VFF từ năm kế tiếp ngày một rơi vào luồng xoáy hỗn loạn, với đỉnh điểm là những bất đồng giữa các thành viên cấp cao nổ tung trước công luận. Làng bóng lâu lâu lại giật nảy trước thông tin bắn ra, mà qua nội dung, có thể đoan chắc chỉ người trong cuộc mới nắm rõ.
Một dạo, ông Phó phụ trách truyền thông VFF đã phải công khai lên tiếng bảo vệ đoàn kết nội bộ, nhưng người trong làng thì lại gật gù: “Đấy, họ lại đang tiếp tục “diễn” với nhau”.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng ốm! Chuyện tưởng không có gì đáng chú ý với công luận, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt hệ trọng đối với những người trong ngôi nhà VFF. Ông Lê Hùng Dũng, như một phút lỡ miệng chia sẻ của Phó Chủ tịch đoàn Nguyên Đức cách đây chưa lâu, gần như chắc chắn sẽ nghỉ sau khi kết thúc nhiệm kỳ vì lý do sức khoẻ. Thực tế, đã có những thông tin về việc ông Dũng xin rút, dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng ngành thể thao đã cố thuyết phục ông ở lại vì đại cục.
Cái “đại cục” ở đây, như phân tích của giới trong cuộc, là sự mất đoàn kết của phần còn lại, và không ít kẻ phía ngoài, vốn đang cùng hướng tới chiếc ghế trống ông Chủ tịch để lại. Ông Dũng đã phải cố trụ, vì ông nghỉ, bóng đá Việt Nam có thể rơi vào cảnh tranh đấu xáo xào ngay từ lúc này. Chiếc ghế Chủ tịch VFF “quyền rơm, vạ đá” như bộc bạch của ông Lê Hùng Dũng ngày nào, hoá lại có sức quyến rũ kỳ lạ đối với quan chức làng bóng.
Ván bài quyền lực
Trong bối cảnh trên, thành bại của đội tuyển U22 Việt Nam không chỉ có tác động tới chiếc ghế của HLV Nguyễn Hữu Thắng, mà còn có khả năng tác động mạnh tới chiếc ghế Chủ tịch VFF và cả nhân sự cấp cao liên đoàn.
Nếu đúng thời gian, nhiệm kỳ VII VFF sẽ kết thúc vào năm 2018, và theo kế hoạch, đại hội sẽ diễn ra chỉ chưa đầy 1 năm sau khi SEA Games 29 kết thúc.
Thắng, thua đâu chỉ là chuyện của thầy trò HLV Hữu Thắng... |
Ngay từ thời điểm hiện tại, lãnh đạo ngành thể thao đã phải đau đầu cân nhắc phương án nhân sự. Dự báo, ít nhất sẽ có hơn 1 chiếc ghế ở VFF phải đổi chủ. Đầu tiên là vị trí của ông Lê Hùng Dũng, vì lý sức khoẻ như kể trên. Thứ tới là vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức đã tuyên bố “chắc nịch”, sẽ từ chức nếu U22 Việt Nam không đoạt HCV SEA Games 29. Ngay cả trong trường hợp U22 Việt Nam đoạt HCV SEA Games, rất khó chắc bầu Đức có còn mặn mà ở lại ngôi nhà VFF hay không, khi vai trò của ông suốt thời gian vừa qua là khá mờ nhạt. HAGL lại đang trong bối cảnh khó khăn, rất cần bầu Đức dồn toàn lực cho hoạt động kinh tế.
Đây là hai vị trí có thể nhìn thấy được. Thực tế những chiếc ghế còn lại cũng nhiều khả năng đổi chủ, tuỳ thuộc vào thành tích của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Đội quân của HLV Hữu Thắng thành công, bộ sậu hiện tại của VFF cũng sẽ được “thơm lây”, và khả năng được tái nhiệm cũng tăng lên đáng kể. Đội thua, ắt có người khó tránh cảnh rời ghế.
Nếu cần một ví dụ cho chuyện này, thì SEA Games 2011 ở Jakarta (Indonesia) là một điển hình. Tại giải đấu này, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Falko Goetz (Đức) đã “trượt” chỉ tiêu do VFF đặt ra. Ông Goetz, người trước đó được nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định là “HLV ngoại tốt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam”, đã nhận trát sa thải ngay khi đang trong thời gian nghỉ ngơi ở quê nhà sau SEA Games. Thất bại ở giải đấu trên không chỉ vậy, còn khiến một quan chức cỡ “bự” khác của VFF, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn, phải từ chức để trở về Tổng cục TDTT. Ông Tuấn nay đang đảm đương vị trí Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, cũng là một ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch VFF sắp tới.
SEA Games, thoạt nhìn chỉ là cuộc chơi của 11 cầu thủ trên sân, nhưng nhìn kỹ hơn, còn là canh bạc quyền lực của không ít người. Thắng, thua đâu chỉ là chuyện của thầy trò HLV Hữu Thắng.