Sinh viên chấp nhận bán sức lao động với mức lương “rẻ mạt”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại Hà Nội, bất chấp mức lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động lên là 22.500 đồng/giờ, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đang "bóc lột" sức lao động của học sinh, sinh viên với mức thù lao ít ỏi.
Hà Trang thường xuyên phải tăng ca nhưng không được nhận thêm lương. Ảnh: NVCC
Hà Trang thường xuyên phải tăng ca nhưng không được nhận thêm lương. Ảnh: NVCC

Chấp nhận đi làm với mức lương “bèo bọt”

Để trang trải cuộc sống tại Hà Nội, nhiều sinh viên lựa chọn làm thêm bán thời gian với tiền lương rất thấp, thấp hơn mức quy định tối thiểu trả theo giờ hiện nay. Có trường hợp chỉ nhận thù lao 16.000 đồng/giờ.

Với mong muốn tận dụng thời gian rảnh để có thêm kinh nghiệm và một khoản chi tiêu, Hà Trang (19 tuổi) đã đi tìm việc làm thêm. Trang cảm thấy bản thân "may mắn" khi biết đến bài đăng tuyển dụng nhân viên tư vấn online cho một cửa hàng quần áo ở Cầu Giấy (Hà Nội).

Cô sinh viên quê Tuyên Quang này sau đó được nhận vào làm với mức thù lao 22.000 đồng/giờ, song lương thử việc chỉ được 18.000 đồng/giờ.

Là một tân sinh viên đang sinh sống và học tập xa nhà, nên chi phí phòng trọ trở thành nỗi lo lớn của em. Theo như chia sẻ của Trang, nếu đi làm đều đặn 5 tiếng/ngày thì trung bình mỗi tháng Trang có thể nhận được mức lương khoảng 2,7 triệu đồng.

Số tiền này được Trang dự tính chi tiêu cho các khoản sinh hoạt phí và đồ dùng học tập cần thiết. Dẫu vậy, "dù chấp nhận ở ghép đông người để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhưng có những tháng số tiền này dường như là không đủ khi có thêm một vài chi phí phát sinh", Trang nói.

Khác với Trang, Thành Công sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tiền nhà không phải nỗi lo cho cậu sinh sinh viên năm nhất này. Công cho biết cậu đi làm với mong muốn có thêm kinh nghiệm, không để thời gian trống và có thêm một khoản chi tiêu nho nhỏ. Hiện Công là nhân viên thiết kế cho một công ty nội thất với mức lương cố định là 3 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy được Công chia sẻ đủ để cậu trả các khoản sinh hoạt phí và nuôi thêm một chú chó nhỏ.

Thanh Hương (19 tuổi) thậm chí còn nhận được mức lương thấp hơn cả Trang và Công. Hương chia sẻ mình đã bắt đầu đi làm thêm ngay sau khi kết thúc kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. Mức lương khởi điểm mà Hương nhận được là 13.000 đồng/giờ. Tuy nhiên sau 1 năm gắn bó và nỗ lực trong công việc, mức lương ấy cũng đã được tăng lên 16.000 đồng/giờ.

Hương cho biết thêm, bản thân cũng trải qua nhiều công việc khác nhau như thu ngân ở quán cafe, nhân viên chạy bàn, bán quần áo… nhưng mức thu nhập cũng chỉ từ 13-16 nghìn đồng/giờ. Được biết Hương đi làm để có thể tự chi trả cho các hoạt động cá nhân mà không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ.

Muôn vàn chiêu trò “bóc lột”

Quỹ thời gian có hạn của sinh viên buộc Trang và Hương phải lựa chọn công việc bán thời gian. Với những lời hứa hẹn như mức lương tương xứng với năng lực, môi trường làm việc chuyên nghiệp, lộ trình thăng tiến rõ ràng, được mua sản phẩm của cửa hãng với mức giá ưu đãi… khiến cả hai quyết định lựa chọn công việc này.

Ca làm việc của Trang kéo dài 5 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ trưa. Vào những ngày đông khách, Trang thậm chí phải về muộn mà không được trả thêm tiền.

"Nhiều khi tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ việc vì làm thì nhiều mà lương lại bèo quá, nhưng vì chưa tìm được nơi phù hợp nên vẫn tiếp tục bám trụ ở đây", Trang trần tình.

Còn với Hương, cô cho rằng nhiều bạn trẻ mới đi làm tại Hà Nội sẽ rất dễ bị mắc lừa bởi những lời hứa hẹn như: “lương 20.000 đồng/giờ, ca làm việc linh hoạt, môi trường trẻ trung năng động, có khả năng thăng tiến trong công việc".

Sinh viên chấp nhận bán sức lao động với mức lương “rẻ mạt” ảnh 1
Mức lương tối thiểu giờ, tối thiểu tháng đối với người lao động.

Khi đã được nhận việc, Hương vô cùng “tá hoả" khi biết mô tả ban đầu khác hoàn toàn với khối lượng công việc cô được nhận.

Chưa biết những thăng tiến như đã nói là gì, nhưng có một điều mà Hương chắc chắn đó là bản thân phải làm việc xuyên ngày đêm.

"Lượng công việc tôi phải nhận vượt quá mức lương và sức lao động bỏ ra. Tôi nghĩ bản thân mình phải nhận được nhiều hơn con số 16.000 đồng", Hương nói.

Ca làm việc linh hoạt nên có những ngày Hương có mặt tại ở hàng 13 giờ /ngày, tức là làm việc thông 3 ca mà không có phụ cấp. Vào những dịp lễ, Tết mức lương mà Hương nhận được chỉ tăng lên 20.000 đồng/giờ, thay vì gấp 2-3 lần như được hứa hẹn ban đầu.

Thành Công cũng rơi vào tình trạng tương tự khi mức lương được trả không tương xứng với sức lao động mà cậu bỏ ra. Dù chỉ làm thiết kế hình ảnh, tức là được ngồi máy phòng điều hòa, nhưng Công vẫn phải đảm nhận thêm nhiều việc không tên.

Bên cạnh đó, vào những thời điểm công ty thiếu nhân sự, Công còn kiêm thêm cả công việc chụp ảnh và quay dựng video.

“Công việc này không hề đơn giản và còn phải chịu khá nhiều áp lực từ phía khách hàng”, Công nói và cho biết thêm bản thân phải làm ngoài giờ để đảm bảo tiến độ công việc mỗi ngày.

Không chỉ khối lượng công việc, thời gian lao động mà chế độ lương thưởng những ngày nghỉ lễ tại những cơ sở kinh doanh này vẫn còn nhiều uẩn khúc.

Hầu hết những công việc trên đều đòi hỏi nhân viên phải đi làm đều đặn vào những ngày lễ, Tết với mức lương chỉ tăng khoảng 1,5-2 lần so với lương thường ngày. Thậm chí, theo như ghi nhận, có những cơ sở còn cắt toàn bộ thưởng cũng như tăng lương cho nhân viên vào các dịp lễ. Trong khi đó, theo Luật Lao động 2019 quy định người lao động sẽ nhận được ít nhất 300% số lương thực thụ.

Có thể bị xử nghiêm, phạt nặng

Khi được hỏi có biết đến quy định mức lương tối thiểu theo giờ tại Hà Nội, cả Trang và Công đều tỏ ra khá bất ngờ. “Tôi không hề biết có quy định mức lương tối thiểu giờ. Không ngờ mỗi giờ làm việc vất vả của mình nhận được số tiền thấp hơn quy định tối thiểu”, Trang chia sẻ.

Kẽ hở dẫn đến thực trạng “bóc lột" của nhiều doanh nghiệp hiện nay bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của người lao động, nên khó có khả năng đòi hỏi và yêu cầu người sử dụng lao động mức lương thỏa đáng. Nhiều trường hợp người lao động nhận lương chưa thực sự tương xứng với sức lao động bỏ ra.

Có thể thấy, hệ thống lương tối thiểu đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Úc, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... Mỗi nước có các cơ quan xác định lương tối thiểu khác nhau. Mức lương có thể do chính phủ, cơ quan lập pháp, hay các ủy ban độc lập ở các địa phương quy định.

Hầu hết các nước sử dụng các tiêu chuẩn tương tự để xác định lương tối thiểu gồm: nhu cầu cơ bản của công nhân, lương trung bình, năng suất lao động, lạm phát, mức độ việc làm, lợi nhuận cho chủ lao động.

Ở Việt Nam, theo quy định tại Công văn 294/LĐLĐ của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội thực hiện Nghị định 38/2022/NĐ-CP về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thì quy định mức lương tối thiểu giờ cho các vùng thuộc vùng 1 trên địa bàn Hà Nội là 22.500 đồng/giờ từ 1/7/2022.

Mức này áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I, gồm: Các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.

Như vậy, các cơ sở kinh doanh giữ nguyên mức lương 15.000 – 18.000 đồng/giờ trên địa bàn quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm hay huyện Đông Anh – nơi mà Trang, Công và Hương đang làm việc là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi không tiến hành tăng lương cho người lao động do mức lương tối thiểu vùng tăng và mức lương của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ phải chịu khung hình phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động.

Thậm chí, những cơ sở kinh doanh này đã vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động khi tuyển dụng người lao động qua những thỏa thuận không giấy tờ. Theo đó, họ sẽ bị phạt tiền khi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Mức phạt có thể lên đến 25 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Việc xử phạt đối với các vi phạm về mức lương tối thiểu được giám sát và thực thi bởi các cơ quan quản lý lao động địa phương. Các biện pháp xử phạt hành chính được áp dụng đối với các trường hợp vi phạm trả lương tối thiểu, thực hiện báo cáo không minh bạch… Riêng ở Mỹ và Hàn Quốc, việc vi phạm lương tối thiểu có thể bị phạt tù.

Mặc dù, khi đã được phổ biến về quy định tiền lương tối thiểu, song có rất nhiều lý do khiến sinh viên đi làm thêm tạm chấp nhận thù lao "bèo bọt". Trong số đó, nổi bật nhất vẫn là "ngại" thay đổi, không dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Có được công việc ổn định, mức lương cao là mong muốn của hầu hết người trẻ, song thực tế lại không dễ dàng như kỳ vọng.

“Nhiều khi áp lực muốn bỏ việc, nhưng giờ mà nghỉ, tìm việc ở đâu mới khó. Đành chấp nhận cực một chút để học hỏi lấy thêm kinh nghiệm, chờ khi nào cảm thấy đủ tự tin về bản thân hơn thì mình mới sẵn sàng để tìm công việc mới”, Công ngậm ngùi nói.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.