Công an, cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC tại các đơn vị, cơ sở; giải quyết dứt điểm, loại bỏ các nguy cơ gây cháy tại các nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà trẻ, trường học, nơi tập trung đông người, các cơ sở sản xuất có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ.
Đồng thời kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC… trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, vừa chỉ đạo tại hội nghị thực trạng và giải pháp bảo đảm an toàn PCCC như trên.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, năm 2016 có hơn 3.000 vụ cháy làm 98 người tử vong (tăng 36 người (58%) so với cùng kỳ), thiệt hại khoảng 1.240 tỷ đồng. Trong đó, số vụ cháy tăng 214 vụ. Cả nước xảy ra 23 vụ nổ, làm chết bảy người.
Tình hình cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung chủ yếu cháy nhà dân, nhà liền kề (1.290 vụ, chiếm 42,9%) và một số khu công nghiệp, chung cư, cơ sở cho thuê mặt bằng để kinh doanh…
Theo Cục Cảnh sát PCCC, lực lượng đang quản lý hơn 220.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và nguy cơ cháy nổ vẫn diễn biến khó lường.
Sau khi nghe các báo cáo và đánh giá, ngoài chỉ đạo siết việc kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ cháy nổ, trung tướng Bùi Văn Thành còn chỉ đạo công an, cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC.
Trong đó đặc biệt chú ý đến các quy chuẩn, tiêu chí an toàn PCCC cho các mô hình cơ sở mới xuất hiện có nguy cơ cháy, nổ cao; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ đến từng người dân. Công an cần nâng cao tỷ lệ điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ để xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.
Theo Pháp Luật TP.HCM