Sáng 6/3, phiên xét xử Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và 47 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
Theo cáo buộc, quá trình điều hành, Thắm và các đồng phạm để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần gây thiệt hại nghiêm trọng cho Oceanbank và các cổ đông... Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền Oceanbank bị thiệt hại là hơn 1.500 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2014, Oceanbank nợ xấu hơn 14.000 tỷ đồng chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống; lợi trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần)… Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Sau khi hỏi các bị cáo nguyên là tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh Oceanbank về hành vi phạm tội xong, HĐXX hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trả lời câu hỏi về tình hình hiện tại của Oceanbank ra sao, bà Vũ Thị Kim Ngọc (đại diện ủy quyền) cho biết ngân hàng đang kiện toàn lại bộ máy, thu hồi công nợ, khắc phục hậu quả do vụ án để lại.
Về số phận của các cổ đông góp vốn điều lệ, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 800 tỷ đồng, cổ đông khác 200 tỷ đồng… người đại diện Oceanbank nói họ không còn quyền lợi và nghĩa vụ gì trong ngân hàng nữa. Bởi toàn bộ số cổ phần này được chuyển sang chủ sở hữu là Ngân hàng Nhà nước, mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
“Tức những người chủ sở hữu cũ không còn gì ở trong đó nữa”, HĐXX hỏi. Bà Ngọc đáp: "Vâng".
Theo người đại diện ủy quyền của Oceanbank, căn cứ pháp lý, việc chuyển đổi sang chủ sở hữu Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. "Đối với những khách hàng giao dịch với Oceanbank thì vẫn được giữ nguyên quyền lợi và nghĩa vụ như bình thường theo đúng quy định của pháp luật", bà Kim Ngọc nói.
Liên quan đến 3 hành vi phạm tội của các bị cáo, người đại diện ủy quyền của Oceanbank đề nghị đối với khoản vay 500 tỷ đồng, họ đề nghị HĐXX buộc Công ty Trung Dung phải bồi hoàn lại gốc và lãi. Để đảm bảo, Oceanbank đề nghị tiếp tục kê biên đối với những tài sản đảm bảo cho khoản vay này. Đó là những tài sản của nhóm con cháu bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Đại Tín)…
Với nhóm các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Oceanbank đề nghị HĐXX buộc đơn vị, cá nhân phải liên đới bồi thường hơn 1.400 tỷ đồng mà ngân hàng này bị thiệt hại.
Đại diện PVN trả lời HĐXX. |
Sau đó, HĐXX hỏi đại diện của PVN liên quan đến việc góp vốn điều lệ 800 tỷ đồng vào Oceanbanh giờ về 0, trách nhiệm thuộc về ai. Trước câu hỏi này, đại diện ủy quyền của PVN cho rằng bản thân được mời đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không thể đưa ra phán xét trách nhiệm.
Theo lời người đại diện của PVN, những người đại diện cho tập đoàn quản lý cổ phần đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của họ. Liên quan đến việc Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, đại diện PVN nói đây là quyết định đơn phương, không phải là sự thỏa thuận đôi bên.
Sáng cùng ngày, HĐXX tiếp tục quay sang thẩm tra về việc chi và nhận lãi ngoài.
Trình bày tại tòa, Nguyễn Trà My (cựu Phó giám đốc Oceanbank Thăng Long) nói đã chi cho Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) 11 tỷ đồng. Trong khi đó, đại diện PVEP lại cho rằng công ty họ không làm việc với Trà My.
“Tôi khẳng định từ tháng 9/2011-2014 không nhận bất cứ khoản tiền lãi ngoài nào của Oceanbank”, đại diện PVEP nói.
Một số bị cáo khác nguyên là giám đốc các chi nhánh của Oceanbank cũng khẳng định khi họ về đây đảm nhiệm chức vụ đã thấy có chủ trương chi lãi ngoài, họ và nhân viên cứ thế làm theo chỉ đạo.
Trước đó, Hà Văn Thắm cũng khẳng định việc có đề ra chủ trương chi lãi ngoài. Theo bị cáo Thắm, thời điểm đó 29 ngân hàng cũng chi tiền chăm sóc khách hàng vượt trần lãi suất.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.