Trong khoảng 10 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 3 - 4 vụ ô nhiễm nước ở quy mô lớn và hàng trăm vụ quy mô nhỏ rải rác cả nước. Những vụ ở quy mô lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế như vụ ô nhiễm sông Thị Vải (năm 2008), ô nhiễm biển miền Trung (năm 2016)… là những thực tiễn đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hành động ngay để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.
70% nước thải xả thẳng môi trường
Tháng 3/2018, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã công bố báo cáo nghiên cứu “Ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát Ô nhiễm nước tại Việt Nam” sau 4 năm ròng rã nghiên cứu.
Theo đó, ước tính 70% tổng số nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy vẫn xả thẳng ra môi trường, không qua bất cứ khâu xử lý nào. Đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm nước. Tình trạng này khiến các song, hồ tại các đô thị đã và đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Một số nguồn gây ô nhiễm nước mặt khác đó là do sử dụng lượng phân bón, thuốc trừ sâu dư thừa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện vẫn còn 20% hộ dân trên cả nước phải dùng nguồn nước ao, hồ, kênh rạch bị ô nhiễm để phục vụ sinh hoạt.
Theo đánh giá của WHO và UNICEF, riêng năm 2011, số trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh lên tới hơn 14.500 ca/năm. Nguồn nước ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm độc mãn tính và mắc các bệnh như ung thư gan, ung thư bàng quang, ung thư phổi, hệ tiêu hóa, các bệnh thần kinh.
Đó là những con số trên giấy. Thực tế, đi khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, người ta dễ dàng tận mắt chứng kiến nhiều dòng sô, ao hồ đang “kêu cứu” với lớp áo đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Những ngày này, người dân các khu vực sống xung quanh nhà máy thép Hòa Phát tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đang sống dở chết dở vì ô nhiễm. Tình cảnh khói bụi phủ kín các khu cư dân xung quanh nhà máy thép Hòa Phát đã diễn ra từ nhiều năm trở lại đây. Bể nước ăn của nhà dân xã Hiệp Sơn, Kinh Môn – xung quanh nhà máy thép như bể chứa nước thải. Dưới đáy bể, bụi đóng thành bánh, dày cả gang tay. Dùng gậy khuấy mạnh, nước trở lên đục ngầu, đặc quánh như nước cống. Ngoài khói bụi mạt sắt bay ra môi trường thì người dân tại đây còn cho biết, nước thải của nhà máy thép còn xả thẳng ra sông Kinh Thầy khiến việc cấy trồng vụ đông của bà con nhiều năm trở lại đây lao đao. Có nhiều hộ dân ở Hiệp Sơn đã bỏ hẳn ruộng vì ô nhiễm làm cây không phát triển được. Về nhà trồng cây ăn quả lâu năm như bưởi, nhãn thì bặt không thể đơm hoa kết trái vì phủ bụi quá dày lên tán cây. Bà Nguyễn Thị Huệ (xóm 1, xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn) lo lắng, rất nhiều người trẻ tuổi ở đây mắc bệnh ung thư và mỗi năm số lượng càng tăng lên. Càng những xóm sống gần nhà máy thì càng có nhiều người bị ung thư. Số người đã chết nhiều, số người mắc bệnh chờ chết cũng chẳng ít.
Cận cảnh máy thép Hòa Phát xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường xung quanh |
Cách đây tròn 2 năm, cá chết hàng loạt trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh khiến người dân bàng hoàng. Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trưởng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân. Cùng thời gian đó, xảy ra vụ gây ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi (Thanh Hóa) do nhà máy mía đường Hòa Bình (Hòa Bình) ở thượng nguồn sông Bưởi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nước thải gây ô nhiễm hạ lưu sông Bưởi làm cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của người dân 15 xã huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Cũng năm 2016, cá tại hồ Tây, Hà Nội chết nổi lềnh phềnh diện rộng, mùi cá chết bủa vây hàng kilomet. Kết quả điều tra, xác minh cho thấy nguyên nhân làm cá chết là do nước hồ Tây bị ô nhiễm nặng chất hữu cơ.
Cá chết ở Hồ Tây khiến môi trường Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng |
Tình trạng ô nhiễm ao, hồ ở Hà Nội đến nay vẫn chưa “thuyên giảm”. Nước sông Nhuệ đoạn chảy ra địa bàn quận Hà Đông đã nhuộm đen nhiều năm qua. Dọc bờ sông từ làng La Khê qua khu tập thể Chùa Ngòi ra đến làng Vạn Phúc, lòng sông la liệt rác. Người dân kể rằng, từ khi thị xã Hà Đông lên thành phố và năm 2008 sát nhập vào Hà Nội thì tốc độ đô thị hóa phát triển quá mạnh, nước thải sinh hoạt, thải công nghiệp đã vô tư chảy ra sông khiến dòng sông ô nhiễm trầm trọng.
Cách đó chục cây số, con mương nằm trên đường Mạc Thái Tổ - phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang dần trở thành “sông rác”. Ngay đầu con mương là tấm biển đề chữ "Công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô” nhưng chẳng ai tin đấy là một công trình mang ý nghĩa kỷ niệm.
Sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch… những con sông “xuyên tâm”, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc ở Hà Nội đã không giữ được vẻ đẹp vốn có của mình trong “cơn bão” công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giải pháp nào cho bài toán ô nhiễm?
Trong Báo cáo mới nhất về tình trạng ô nhiễm nước của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), các chuyên gia phân tích rất nhiều kinh nghiệm quốc tế, nhất là kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm nước ở các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan để cơ quan chức năng tham khảo.
Đại diện CECR cho biết, các nước này đều trải qua thời kỳ công nghiệp hóa đô thị hóa mạnh mẽ, đã gặp phải nhiều sự cố về ô nhiễm nước hết sức nặng nề. Họ cũng phải trải qua một chặng đường dài trong công tác kiểm soát ô nhiễm nước và khôi phục chất lượng nước mặt và đạt được các kết quả tương đối tốt. Các nước này đều có Luật hoặc hệ thống luật chuyên biệt kiểm soát ô nhiễm nước và đều đưa khoa học công nghệ xử lý nước thải làm điểm tựa cho các công cụ kiểm soát, coi việc bảo tồn hệ sinh thái cho cá và các thủy sinh trong nước, đảm bảo an toàn cho sinh kế con người là mục tiêu cao nhất.
Đơn cử, Trung Quốc đã đầu tư vào chương trình khoa học công nghệ xử lý ô nhiễm nước như một chương trình trọng yếu và cải thiện Luật Kiểm soát ô nhiễm nước để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước.
Chính phủ Hàn Quốc đầu tư mua các vùng đất ven sông để trồng rừng và bảo vệ sông. Họ cũng xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về sinh thái cho việc kiểm soát ô nhiễm nước.
Chính phủ Malaysia lại áp dụng một số điều luật trong Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Hoa Kỳ vào nước mình.
Thái Lan thì đưa ra những ưu tiên xử lý nước thải đô thị và công nghiệp tập trung, có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xử lý nước thải.
Còn tại Việt Nam, những năm qua, các quy định và chế tài về kiểm soát ô nhiễm nước được đưa vào các luật khác nhau, như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Pháp lệnh Thủy lợi, Luật Đa dạng sinh học, Luật Hình sự… Việc thực thi các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước được thông qua các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư, Quyết định và các biện pháp cụ thể; nhưng, các biện pháp mang tính pháp lý này được áp dụng chủ yếu kiểm soát ô nhiễm điểm (là một nguồn đơn lẻ có thể xác định được). “Vấn nạn” ô nhiễm diện (bao gồm nước mưa chảy tràn hoặc chảy ngầm, trong quá trình chảy tràn mang theo các chất ô nhiễm từ tự nhiên và từ các hoạt động của con người chảy vào các vùng nước mặt như sông, hồ, ao, kênh, rạch, các vùng nước ven biển) thì gần như chưa có các biện pháp hay quy định nào cụ thể. Trong khi đó, câu chuyện của Vedan 10 năm trước và của Formosa Hà Tĩnh 2 năm trước vẫn còn dai dẳng đến giờ.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Môi trường (Bộ TNMT) cho biết, hiện nay, hầu hết nước thải sinh hoạt ở các đô thị đều không được xử lý mà được xả thẳng ra môi trường. Một số kênh, mương, hồ, ao trong các khu vực đô thị đã trở thành những nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt, thường xuyên bị ô nhiễm, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, một số bệnh viện và cơ sở y tế lớn với hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm này ngấm vào đất, gây ô nhiễm đất. Chất lượng môi trường đất ở nước ta gia tăng ô nhiễm.
Đại diện CECR bày tỏ quan điểm, ô nhiễm nước ở nước ta đã trở nên rất cấp bách và đòi hỏi có chiến lược tổng thể để cải thiện tình hình; Báo cáo đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đưa công tác xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của quốc hội khóa 14, nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018 và nghiên cứu xây dựng các chính sách cũng như cải thiện các công cụ về kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.