Thông tin từ lãnh đạo huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thì nhà máy thép Hoà Phát đã bị liệt vào danh sách những cơ sở có “dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường” phải kiểm tra, xử lý gấp. Bên cạnh đó, việc nhà máy thép Hoà Phát nằm quá gần khu dân cư là hệ quả của việc quy hoạch thiếu đồng bộ khi mà tỉnh Hải Dương và huyện Kinh Môn tiến hành phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn…
Nhà máy đặt sai vị trí?
Trước làn sóng dư luận của cư dân vùng lân cận nhà máy thép Hoà Phát phản ánh về việc đơn vị này xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lãnh đạo huyện Kinh Môn cho rằng, việc người dân khiếu kiện cũng không thể tránh được, còn việc kết luận nhà máy có gây ô nhiễm hay không thì là nhiệm vụ của cơ quan chức năng.
Trao đổi với ông Lê Văn Bí, Phó chủ tịch huyện Kinh Môn được biết, năm 2017, trong quá trình kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy công nghiệp nặng như thép, xi măng, chế xuất nhựa… huyện Kinh Môn đã lập được danh sách hàng loạt các cơ sở “có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường” và trong đó có nhà máy thép Hoà Phát.
Ông Lê Văn Bí, Phó chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương |
Ngay sau khi có danh sách này, huyện Kinh Môn đã đề xuất với tỉnh Hải Dương lập đoàn quan trắc để tiến hành kiểm tra. Đoàn quan trắc này hoạt động độc lập và tiến hành đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Kết quả quan trắc cho thấy, các chỉ số về môi trường tại nhà máy thép Hoà Phát đều nằm trong ngưỡng cho phép…?
Đặt vấn đề về những phản ánh của người dân về việc nhà máy thép Hoà Phát xả thải rất nhiều, ông Lê Văn Bí cũng cho biết: Việc xả thải của nhà máy thép Hoà Phát là có, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị này báo cáo. Theo báo cáo từ phía Hoà Phát việc xả thải này là do trong quá trình sửa chữa lò nên mới có hiện tượng khói bốc lên nhiều như vậy. Phía huyện Kinh Môn luôn xác định tinh thần nếu phát hiện việc xả thải của nhà máy thép Hoà Phát thì sẽ ngay lập tức báo cáo nghành chức năng.
Về việc nhà máy thép Hoà phát đặt ở vị trí quá gần khu dân cư, ông Bí cho biết, trong quá trình phát triển, quy hoạch khu-cụm công nghiệp thì đã có hàng loạt các doanh nghiệp vào địa phương để đầu tư trong đó có Hoà Phát. Việc quy hoạch đúng là trước đây chưa xem xét các nguyên tắc một cách chính xác nên hiện nay nhà máy thép Hoà Phát nằm rất gần khu dân cư.
“Do những tác động trực tiếp đến đời sống người dân nên phía Hoà Phát đã tiến hành di dời một số hộ dân trong khoảng 40 hộ nằm sát. Việc di dời này đã được thực hiện nhưng hiện nay vẫn còn một số hộ chưa di chuyển…” ông Bí cho biết.
Theo phản ánh của người dân thì trong quá trình xây dựng nhà máy, khi mua đất của dân, đại diện phía Hoà Phát khẳng định, nhà máy thép sẽ được xây dựng tại vị trí cách khu dân cư tối thiểu 500m. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhà máy thép Hoà Phát dường như nằm giữa khu dân cư, rất nhiều hộ dân nằm sát ngay chân nhà máy. Bên cạnh đó, nhà máy nước sạch Kinh Môn cũng được xây dựng ngay cạnh nhà máy thép khiến cho người dân càng thêm phần lo sợ trước những tác động đến môi trường…
Người dân chỉ còn biết kêu… trời!
Danh sách những người bị mắc bệnh ung thư ở những khu vực lân cận nhà máy thép Hoà Phát tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày một dài khiên người dân vô cùng lo lắng. Không biết bao nhiêu lần khiếu nại để có những biện pháp xử lý chất thải của nhà máy này nhưng điệp khúc “các chỉ số vẫn ở ngưỡng cho phép” vẫn luôn được các nghành chức năng nói đi, nói lại.
Ông Trương Vinh Kền (xóm 1, thôn Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn) phản ánh: “Nhà tôi ở đây cách chỉ 30 đến 40m là đến nhà máy Thép Hòa Phát. Cho nên, thứ nhất là tiếng ồn, thứ hai là khói bụi. Không thể chịu được. Tiếng ồn và bụi không chịu được. Thực tế xóm này hơn chục người chết vì ung thư. Năm 2007, công ty về đây mua và đến năm 2008- 2009, bắt đầu hoạt động. Từ bấy đến giờ tôi đề nghị cũng nhiều nhưng thực trạng ô nhiễm không thay đổi”.
Hình ảnh xả thải tại nhà máy thép Hoà Phát |
Trước những phản ánh của người dân, quá trình tìm hiểu thông tin được biết, năm 2012, cơ quan chức năng bắt quả tang vụ đổ chất thải độc hại từ Công ty CP thép Hòa Phát ra sông. Qua quá trình điều tra, mặc dù công ty này không chịu nhận trách nhiệm (với lý do Hòa Phát đã ký hợp đồng vận chuyển với Cty CP Quang Huy) nhưng các cơ quan chức năng vẫn xác định Công ty CP Thép Hòa Phát không có biện pháp thu gom, quản lý chất thải nguy hại, không thực hiện đúng các nội dung quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Trong một báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri tại xã Hiệp Sơn khóa XXI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhiều cử tri thôn Hiệp Thượng, An Cường bày tỏ nỗi thất vọng và đề nghị UBND xã khẩn trương kiểm tra công ty CP thép Hòa Phát trong việc để tiếng ồn, khói bụi, xả thải liên tục, khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm. Đau đớn hơn, người dân xã này cho biết đã có rất nhiều người dân Hiệp Sơn chết do ung thư, mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Mặc dù người dân thì phản ánh, kiến nghị rất nhiều nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về việc xả thải gây ô nhiễm tại nhà máy thép Hoà Phát. Nhà máy thép thì vẫ dền xiết tiếng động cả ngày lẫn đêm, không khí thì vẫn đặc quánh khói bụi mạt thép nên người dân ở xã Hiệp Sơn, vùng lân cận nhà máy thép Hoà Phát chỉ còn biết… kêu trời.
Bài tới: Hoà Phát lên tiếng phủ nhận gây ô nhiễm môi trường