Bước qua khỏi cánh cổng số 82 Hàn Thuyên đầy rêu phong cũ kỹ là hình ảnh di tích Khâm Thiên Giám của triều Nguyễn đang xuống cấp báo động. Công trình này được khởi dựng dưới thời Gia Long với nhiệm vụ chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, báo giờ để định mùa vụ; đồng thời cơ quan này còn xem ngày lành tháng tốt để triều đình tổ chức những việc đại sự. Ban đầu, cơ quan này nằm ở góc Nam Kinh thành, đến 1918 thì vua Khải Định cho di dời về vị trí hiện tại.
Khâm Thiên Giám chờ… sập
Công trình di tích Khâm Thiên Giám đã xuống cấp nhiều năm qua và với tình trạng như hiện nay thì nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Mái ngói bị nứt vỡ và kéo sụt xuống gần đổ sập; nhiều mảng tường rêu mốc chỉ cần chạm nhẹ là bong tróc; hệ thống kèo cột bị mục nát gần hết. Mới đây Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đã phải cử cán bộ đến giằng chống tạm để tránh bị đổ sập công trình; đồng thời khoanh vùng cảnh báo nguy hiểm để người dân không đến gần công trình di tích này.
Tình trạng nghiêm trọng như vậy nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi) vẫn “sống liều” ở một gian nhà trong tổng thể của di tích Khâm Thiên Giám. Bà Duyệt cho biết, bố chồng là người từng làm việc tại Khâm Thiên Giám nên sau đó gia đình ở đây luôn, tính đến giờ đã hơn 50 năm. “Ở trong nhà nhưng cứ nơm nớp lo sợ. Chuyện ngói vỡ rồi rơi xuống là thường xuyên, còn đến mùa mưa thì nước dột khắp nhà. Khi mưa to gió lớn thì Công an phường đến dẫn bà cháu đi ở tạm nhà khác vài ngày cho an toàn, chứ chỗ ni sập bất cứ lúc nào không biết”, bà Duyệt kể.
Bà Duyệt hiện chỉ sống với người cháu ruột. Có lần dành dụm được ít tiền, bà cũng nhờ người dân xung quanh mua tôn về thay mái ngói cho đỡ dột nhà, nhưng vì di tích Khâm Thiên Giám vốn nguyên trạng là mái ngói nên cơ quan chức năng không cho phép sửa chữa. Sau đó, bà phải mua bạt ni-lông về phủ lên mái nhà. “Chúng tôi cũng nghe có dự án di dời ở di tích này hơn 3 năm rồi nhưng chưa thấy làm gì, giờ đây nghe chủ trương của tỉnh là sẽ di dời hết thì mừng lắm. Mong chỉ có một nơi ở yên ổn”, bà Duyệt nói.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện có 27 hộ dân đang sinh sống ở khuôn viên di tích Khâm Thiên Giám. Năm 2015, dự án trùng tu di tích này đã được phê duyệt nhưng do khó khăn về quỹ đất và kinh phí di dời cho các hộ dân tại đây nên vẫn chưa triển khai thực hiện. “Kế hoạch tu bổ di tích của hệ thống di sản Huế giai đoạn 2016-2020 có di tích Khâm Thiên Giám. Tuy nhiên, muốn thực hiện trùng tu thì phải di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng này. Chính vì thế, đây là khu vực được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch thực hiện của đề án di dời cư dân khu vực 1 Kinh thành Huế vừa mới được UBND tỉnh thông qua”, ông Tuấn thông tin.
Bà Nguyễn Thị Duyệt sống ở di tích Khâm Thiên Giám đang chờ… sập |
Nhiều di tích bị xâm hại nghiêm trọng
Cách Khâm Thiên Giám vài tuyến phố là di tích Thượng thư đường Bộ Công cũng trong tình cảnh hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khuôn viên di tích này hiện có 17 hộ chính đang sinh sống với điều kiện hết sức khó khăn.
Căn phòng của gia đình bà Võ Thị Nhạn chật hẹp và khá tối tăm. Đồ đạc trong nhà phủ đầy bao ni-lông để tránh nước mưa dột ướt. Suốt 32 năm qua, gia đình bà sinh sống ở đây và do điều kiện kinh tế khó khăn nên không thể di chuyển tìm nơi ở mới. Không chỉ gia đình bà Nhạn, nhiều nhà khác cũng sống “liều” ở các dãy nhà tả- hữu của di tích đang xuống cấp báo động này. Theo lãnh đạo Trung tâm có 17 hộ chính sinh sống ở di tích Thượng thư đường Bộ Công thì có nhiều hộ là gia đình chính sách như thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam… nên đời sống rất vất vả. Muốn di dời các hộ dân này đến nơi ở mới thì cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt chứ không đơn thuần chỉ áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. Người dân sinh sống ở di tích xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của họ mà còn gây thêm “sức ép” lên di tích.
Dọc tuyến di tích Hộ thành hào ở mặt Nam của Kinh thành Huế (tập trung ở tuyến đường Trần Hưng Đạo đến Phan Đăng Lưu), đập vào mắt là những ngôi nhà dựng tạm bợ và nhếch nhác. Những nhà dân này lấn ra mặt nước của di tích, thải chất bẩn và rác xuống gây ô nhiễm nặng nề. Có đoạn, người dân lấn chiếm đến 2/3 diện tích mặt nước của Hộ thành hào. Tình trạng ô nhiễm và gây ách tắc dòng chảy đã kéo dài nhiều năm. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố du lịch, mà còn xâm hại nghiêm trọng di tích và tác động xấu đến môi trường sống và sức khỏe của cư dân trong khu vực. Không riêng gì Hộ thành hào, nhiều hồ ở Kinh thành Huế bị lấn chiếm và xả rác thải. Từng có hơn 40 hồ, nhưng đến nay đã bị lấp chỉ còn 27 hồ (trừ khu vực Đại Nội) với diện tích mặt nước chưa đầy 22 ha.
Theo Trung tâm, hiện nay các bộ phận kiến trúc của Kinh thành Huế đang bị hư hỏng rất nhiều, như hệ thống vòng tường thành đã hư hỏng khoảng 40%; rất nhiều pháo đài đã bị chiếm dụng làm nhà ở; di tích Trấn Bình Đài (hiện đang được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý và sử dụng) đã hỏng khoảng 50%; tuyến phòng lộ bị chiếm dụng trồng hoa màu và xây nhà ở tạm; đặc biệt ở di tích khu vực Thượng thành hiện có rất đông cư dân sinh sống và canh tác hoa màu… đã xâm hại đến di tích nghiêm trọng.
Theo đề án di dời, giải phóng mặt bằng ở khu vực I Kinh thành Huế vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua, sẽ có 13 dự án thành phần. Trong đó, phạm vi giải tỏa bao gồm 4 phường bên trong Kinh thành và 3 phường tiếp giáp, với khoảng 4.200 hộ dân sẽ di dời. Cụ thể, khu vực di tích cần giải tỏa gồm: hệ thống tường thành dài 11,5 km, cao 6,6m và rộng 21m; hệ thống 24 Eo Bầu; tuyến phòng lộ bao quanh kinh thành với chiều dài 8 km; khu vực Hộ thành hào dài 12,5 km, rộng 17-5m…