Trong Hội nghị Hiệp hội sao Hỏa Quốc tế diễn ra hôm 16/10, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty hàng không vũ trụ SpaceX Elon Musk chia sẻ công ty của ông sẽ tận dụng thời gian thuận lợi để bay tới sao Hỏa vào năm 2024 để phóng tên lửa Starship. Cơ hội có tên gọi "cửa sổ phóng" này xuất hiện 26 tháng một lần vào lúc sao Hỏa ở gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo, giúp các tàu vũ trụ rút ngắn thời gian bay tới hành tinh đỏ và tiết kiệm nhiên liệu. Cả NASA, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đề phóng tàu tới sao Hỏa vào tháng 7 năm nay nhằm tận dụng cơ hội trên.
SpaceX sẽ tiến hành nhiệm vụ không người lái tới sao Hỏa bằng Starship, phương tiện kết hợp tên lửa và tàu vũ trụ tái sử dụng đang được phát triển ở cơ sở của công ty tại Nam Texas. SpaceX cũng lên kế hoạch dùng Starship cho các nhiệm vụ tới Mặt Trăng từ năm 2022 và thực hiện những chuyến bay vòng quanh Trái Đất.
Từ lâu, Musk cho rằng con người cần thiết lập khu định cư vĩnh viễn và tự cung tự cấp trên sao Hỏa để đề phòng Trái Đất trở thành nơi không thể ở được do chiến tranh hạt nhân hoặc va chạm với tiểu hành tinh. Mục tiêu của SpaceX vận chuyển hàng hóa và con người giữa Trái Đất và hành tinh đỏ.
Nếu tất cả diễn ra theo đúng tiến độ, nhiệm vụ sao Hỏa đầu tiên của SpaceX sẽ phóng cùng năm các phi hành gia NASA quay trở lại Mặt Trăng theo chương trình Artemis. SpaceX cũng đang lên kế hoạch chở khách du lịch không gian bằng tàu Starship vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2023. NASA đã chọn SpaceX cùng hai công ty thương mại khác để phát triển trạm đổ bộ Mặt Trăng cho chương trình Artemis.
Musk công bố kế hoạch phát triển Starship vào năm 2016. Dự án hướng tới phóng tàu vũ trụ cao 50 m trên lưng tên lửa đẩy khổng lồ trong các nhiệm vụ không gian sâu tới Mặt Trăng, sao Hỏa và nhiều nơi khác. Cả Starship và tên lửa đẩy Super Heavy đều có thể tái sử dụng. Năm nay, SpaceX đã tiến hành bay thử nghiệm hai nguyên mẫu Starship là SN5 và SN6 từ cơ sở thử nghiệm Boca Chica ở Texas tới độ cao 150 m. Hiện nay, SpaceX đang chuẩn bị phóng nguyên mẫu Starship SN8 trong chuyến bay lên cao 20 km.