Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã tìm ra bí mật mới thú vị xung quanh ngôi sao mang tên PDS 70, cách chúng ta 370 năm ánh sáng. Quanh ngôi sao này là một đĩa bụi và khí lớn cho thấy nó là một hệ hành tinh non trẻ đang dần hình thành vì chính vật chất từ đĩa bụi và khí ấy sẽ tạo nên các hành tinh.
Vào năm 2018, các nhà khoa học đã tìm thấy hành tinh con đầu tiên của ngôi sao này, là một thiên thể bé nhỏ quay gần sao mẹ. Gần đây, họ lại tìm ra dấu tích của một hành tinh khác xa ngôi sao mẹ hơn. Nó đang trong giai đoạn hình thành, tích cực hút khí hydro từ bụi và khí xung quanh nó nên đã "bị tóm" bởi thiết bị phát hiện hydro của hệ thống kính viễn vọng Very Large trên núi Cerro Paranal - Chile.
Nhưng hành tinh này không bình thường. Theo TS Valentin Christiaens (Đại học Monash, Úc), thành viên nhóm nghiên cứu, ánh sáng này đỏ hơn dự kiến. Từ đó, các nhà khoa học đã phân tích và nhận thấy thiên thể này sở hữu một thứ mà họ ví như "thế giới thứ hai".
Hành tinh nói trên dù còn trong giai đoạn hình thành vẫn mang theo một đĩa bụi và khí khổng lồ xung quanh, giống kiểu đĩa bụi và khí của sao mẹ, nơi nó đang được sinh ra. Trong đĩa bụi và khí này, có bằng chứng về sự ra đời của một mặt trăng khổng lồ.
Theo các nhà khoa học, thế giới non trẻ đang ra đời từ hành tinh này rất có thể tương tự Enceladus hay Europa - hai "mặt trăng sự sống" nổi tiếng của Sao Thổ và Sao Mộc, nơi NASA và nhiều đơn vị nghiên cứu khác cho rằng rất có thể tồn tại sự sống ngoài hành tinh.
Phát hiện này cũng cho thấy sự hiện diện của các mặt trăng to lớn, có nhiều điều kiện tương tự một hành tinh thực sự phổ biến hơn suy nghĩ trước đây.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arXiv.