Võ sĩ giác đấu là biểu tượng của sự dũng mãnh, điêu luyện, luôn tự coi mình là những kẻ không-cần-mạng, những người “sẵn sàng chết” (lời tuyên thệ với Caesar đại đế).
Vì thế trong các bộ phim ngày nay, hình ảnh các võ sĩ giác đấu hiện lên rất đẹp và oai vệ, có thể kể đến các phim như Spartacus (2004), Gladiator (2000), series Spartacus của Stars, Rome của HBO...
Điều ấn tượng nhất trong các bộ phim đó là lúc nào các võ sĩ giác đấu cũng đều có cơ bắp cuồn cuộn, thân hình cực kỳ hoàn hảo với cơ bụng đẹp tựa thần Apollo. Thế nhưng thực tế nhiều khi luôn phũ phàng, các nhà khoa học hiện tại đã chứng minh rằng, chưa chắc các võ sĩ giác đấu ngày xưa đã “manly” đến vậy…
Toàn các anh chàng béo...
Trong Tạp chí Khảo cổ học ra tháng 11/12 năm 2008, tác giả Andrew Currey đã lật lại những nghiên cứu của nhà khoa học người Áo - Karl Grossschmidt về chế độ ăn uống của những võ sĩ giác đấu La Mã cổ đại.
Chủ yếu hàng ngày các võ sĩ giác đấu phải ăn các loại thức ăn giàu tinh bột, thỉnh thoảng được bổ sung thêm calcium và kẽm để tăng độ cứng cho xương. Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng với chế độ ăn như vậy, việc phát triển cơ bắp là không có cơ sở.
Nếu nhìn qua thực đơn của các võ sĩ giác đấu, chắc chắn không ít người thấy phát ngán. Các món chính bao gồm: cháo lúa mạch, cháo đậu xanh, cháo đậu đỏ, súp lê và rất nhiều loại hoa quả, tuyệt đối không có thịt.
Vì thế sẽ không ngạc nhiên nếu như các võ sĩ giác đấu thời đó không có cơ bụng 6 múi như bạn vẫn tưởng tượng, thay vào đó là những lớp mỡ bụng vừa to vừa xấu...
Grossschmidt giải thích: “Các võ sĩ giác đấu cần lượng mỡ thật nhiều. Nhiều mỡ sẽ bảo vệ bạn khỏi những vết chém, bảo vệ mạch máu và các sợi gân trong cuộc đấu”.
Ông hài hước cho rằng: “Nếu tôi mà bị chém vào mỡ thì kiểu gì cũng có sức mà đánh tiếp, không đau lắm đâu nhưng khán giả nhìn thì lại thấy thật là oách”.
Và “oách” chính là mục tiêu mà mọi võ sĩ giác đấu hướng tới khi bước chân vào võ đài. Dù có chết đi chăng nữa họ cũng phải làm sao khiến cho tất cả mọi người nhìn mình với con mắt ngưỡng mộ.
Và cả các cô nàng béo nữa…
Nếu bạn nghĩ rằng, chỉ có các nam nhân mới được làm võ sĩ giác đấu thì bạn đã nhầm. Từ"Gladiatrix" được sinh ra để chỉ các võ sĩ giác đấu mang thân phận nữ nhi.
Điều luật Larinum dưới thời Hoàng đế Tiberius đã ghi rõ: “Cấm con, cháu, chắt nữ của các thượng nghị sĩ trong viện nguyên lão và tất cả những thành phần nữ giới có chồng, cha hoặc ông từng đứng trong hàng ngũ quý tộc được tham gia và luyện tập như các võ sĩ giác đấu”.
Trận đấu đầu tiên các nữ võ sĩ giác đấu được “công chiếu” là dưới thời Hoàng đế Nero (vị vua thứ 5 của Rome từ năm 54 - 68). Cũng có nhiều tư liệu khác được ghi trong cuốn The Twelve Caesars cho thấy, Hoàng đế La Mã Domitian rất thích màn đấu đốt đuốc vây quanh giữa các nữ võ sĩ giác đấu và những tên lùn tịt. Theo đó, các nữ võ sĩ giác đấu thi đấu vào ban đêm, một phần do sự hiếm hoi của thể loại đặc biệt này.
Và tất nhiên, với cùng một chế độ ăn uống toàn carbohydrate như các nam nhân ở trên thì việc giữ dáng cho đẹp quả khó khăn như "hái sao trên trời".
“Ăn tinh bột nhiều như vậy chưa chắc đã béo!”
Sự thật lịch sử luôn là vấn đề được tranh cãi và chủ đề “béo hay không béo” của các võ sĩ giác đấu cũng không nằm ngoài quy luật trên.
Tác giả David Black Mastro - một nhà chuyên nghiên cứu thức ăn thời cổ, chế độ ăn kiêng cho rằng: lý luận “cần mỡ để tránh sát thương” của Grossschmidt là không có căn cứ.
Quả thực lớp mỡ có thể ngăn bạn khỏi những vết thương sâu gây ra bởi vũ khí ngắn như dao, kéo… hay cái gì đó tương tự nhưng nói rằng, chúng có thể giúp bạn sống sót trước những lưỡi gladius hay sica thì thật khó tưởng tượng.
Hẳn không phải bạn nào cũng biết cái tên Gladiator (võ sĩ giác đấu) đến từ đâu. Cái tên nổi tiếng ấy chính là từ gladius mà ra. Thanh kiếm này là phát minh vĩ đại của người La Mã, giúp quân đội La Mã thống trị thế giới trong suốt một thời gian dài.
Trong khi đó, sica lại là vũ khí đặc trưng của các tộc người vùng Balkan với lưỡi cực sắc ở đầu, là nỗi khiếp sợ của người Macedonia lẫn La Mã khi chiến tranh với Thrace. Nhiều người thắc mắc rằng, không hiểu lớp mỡ kia có tác dụng gì khi cơ thể đấu sĩ phải đối đầu với 2 loại vũ khí siêu việt này.
Và trong quá trình “nuôi dạy”, họ cũng nhận ra rằng thực đơn giàu tinh bột như vậy không có lợi cho võ sĩ giác đấu. Một giả thuyết khác được đưa ra đó là có thể các võ sĩ ngày xưa cũng được ăn thịt giống như binh lính La Mã, chỉ có điều không nhiều mà thôi.
Bằng chứng khác được Mastro nêu ra nằm ở bức phù điêu cổ. Bức phù điêu này ghi lại hình ảnh các võ sĩ giác đấu chống lại hung thú (võ sĩ loại này được gọi là bestiarii). Chẳng lẽ người xưa lại để những gã béo đầy mỡ chiến đấu để mua vui trong khi đã ý thức được rằng phải đô con, bụng 6 múi mới là đẹp như thế này?
Nếu quả đúng như vậy thì rõ ràng lượng mỡ đã được đốt cháy hoàn toàn trong khi luyện tập. Mặc dù hơi khó tin một chút nhưng đây có thể coi là giải thích hợp lý nhất bởi các võ sĩ giác đấu phải tập luyện cực kỳ mệt nhọc từ sáng tới tận tối khuya.
Theo Mask, Out of this century, History Today, Archaeology