Cây sanh cổ trăm tuổi đó đã qua tay nhiều người, nhiều đời và đến nay đang được lưu giữ tại nhà ông Trần Đình Sự (trú đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế) và xung quanh cây sanh cổ này cũng chứa đựng nhiều câu chuyện bí ẩn, ly kì…
Theo lời chia sẻ của ông Sự, ngay sau ngày đất nước giải phóng, là một người có công với cách mạng, gia đình ông được Nhà nước cấp đất và nhà ở tại Kiệt 33 đường Nguyễn Trường Tộ. Nơi gia đình ông đang sinh sống trước đây vốn là nhà rường cổ vốn là một điền viên thư gián, nghỉ ngơi của quan lớn chế độ cũ.
Nhiều người cho rằng, các rễ cây đang “ôm” một kho báu ẩn dưới những tảng đá màu xanh rêu.
“Không biết cây sanh cổ này có từ khi nào, nhưng khi chúng tôi về ở, nó đã có sẵn đây rồi. Theo nhiều người kể lại, cây sanh này là một trong những “hiện vật sống qua nhiều trăm năm” – ông Sự cho biết.
Cũng theo chia sẻ của gia chủ, kể từ thời điểm tiếp quản ngôi nhà (năm 1976) đến nay, cây sanh này vẫn được gia đình cho an tọa tại địa điểm cũ giữa lòng hồ cảnh cũ. Trải qua hàng chục năm tuổi, những rễ cây vươn dài găm mình xuống hồ nước. Rễ và thân cây “ôm” đá với nét cổ kính, rêu phong dường như càng tôn lên nét độc đáo, lạ mắt của “hiện vật sống” này. Cũng liên quan đến cây sanh này, nhiều câu chuyện bí ẩn, ly kì theo thời gian được người đời thêu dệt.
Có người cho rằng, dưới đáy của cây sanh được dát một lớp xi măng trắng mát lạnh, bên trong những tảng đá đậm màu rêu phong là nơi cất giáu châu báu?! Nhiều người còn cho rằng, vì đây là cây sanh cổ nên ngày càng trên nên linh thiêng.
Cây sanh được gia chủ bảo vệ cẩn thận bằng hàng rào lưới B40.
Đem những vấn đề này trao đổi với gia chủ, ông Sự cho rằng, tất cả chỉ là những lời đồn thổi chứ trên thực tế cây sanh này không “ôm” ngọc ngà, châu báu gì cả.
“Cây sanh nổi trên mọt cái ao sâu hơn 4m. Đã có lần chúng tôi tát cạn hồ nước để kiểm tra nhưng chẳng thấy vàng bạc, châu báu đâu cả. Còn riêng cái hồ và cây sanh thì vẫn hiện hữu ngay đó” - ông Sự phân trần.
Ông Ngôn – một hàng xóm của gia đình ông Sự cho biết, tại thời điểm cách đây 5- 7 năm về trước, ông chứng kiến mỗi ngày có hàng chục người đến hỏi mua cây sanh gia đình ông Sự đang sở hữu nhưng vị gia chủ này kiên quyết không bán.
“Bản thân tôi cũng đã chứng kiến nhiều cuộc trao đổi, ngã giá của các chủ buôn nhưng không ai nhận được cái gật đầu từ ông Sự. Được biết, thời điểm đó, khi tận mắt chứng kiến cây sanh “vàng” của nhà ông Sự, một dân chơi từ ngoài Hà Nội vào trả giá cả cây sanh lẫn mảnh đất ông Sự đang ở giá 14 tỷ đồng nhưng gia đình ông Sự vẫn một mực không bán?!” – ông Ngôn cho biết.
Vẫn chưa thể khẳng định thực hư những cấu chuyện ly kì, bí ẩn xung quanh cây sanh cổ, thế nhưng, theo lời ông Sự, “con người đã giàu thì giàu rồi”!. Vì lẽ đó, bản thân ông cũng như gia đình giữ lại cho con cháu một “chứng tích lịch sử sống”.
Theo Vietnamnet