Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà sử học, nhà giáo và những người quan tâm đến di sản của các nhà sử học Việt Nam.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đây là lần đầu tiên Trung tâm tổ chức tọa đàm về một lĩnh vực với sự tham gia các nhà sử học, nhằm nhìn nhận lại công tác nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm trong hơn một thập kỷ qua và định hướng nghiên cứu sưu tầm, phát huy giá trị di sản của các nhà sử học trong thời gian tới.
Đây là sự kiện có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức về di sản và phát huy di sản của các nhà sử học nói riêng, các nhà khoa học nói chung ở nước ta. Nhiều ý kiến đại biểu tại tọa đàm đều cho rằng, việc sưu tầm tư liệu của các nhà sử học, làm rõ bức tranh sử học Việt Nam qua từng thời kỳ là việc làm quan trọng, cần làm ngay. Và các nhà khoa học có trách nhiệm cùng Trung tâm hoàn thành công việc đầy ý nghĩa này.
Trải qua hơn một thập kỷ hoạt động, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã nghiên cứu, sưu tầm di sản của các nhà khoa học, đồng thời đưa di sản của các nhà khoa học vào đời sống xã hội, thông qua việc tổ chức các cuộc trưng bày và nhiều hoạt động khác. Đến nay, Trung tâm đã thiết lập phòng lưu trữ của 1.800 nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó lĩnh vực khoa học Lịch sử có 95 nhà khoa học. Hơn 80.000 tài liệu hiện vật, hàng trăm bức ảnh chụp và hàng vạn phút ghi âm, ghi hình của 95 nhà khoa học sử học được thu thập trong hơn một thập kỷ qua, đánh dấu sự nỗ lực của Trung tâm trong việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời của các nhà sử học, là minh chứng cho sự tin tưởng của các nhà khoa học đối với hoạt động của Trung tâm.
Các loại hình tài liệu, hiện vật sưu tầm được cũng hết sức đa dạng, từ giấy tờ cá nhân của Phó giáo sư Nguyễn Xuân Trúc; luận văn tốt nghiệp đại học của Giáo sư Phan Hữu Dật; cuốn sách chép tay để học chữ Phạn của Giáo sư Lương Ninh; hàng trăm bức thư trao đổi về các vấn đề chuyên môn của Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn với đồng nghiệp quốc tế; các hồi ký, sổ ghi chép, các bản thảo sách, bản thảo nghiên cứu về Đông Nam Á của Phó giáo sư Lê Văn Sáu; các cuốn sổ ghi chép, vở ghi ngoại ngữ, vở ghi bài giảng những năm 60-70 của Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Tiến sỹ Lưu Hùng; bản thảo các bài nghiên cứu của Giáo sư Vũ Dương Ninh, Phó giáo sư Lê Mậu Hãn, Phó giáo sư Phan An, Phó giáo sư Nguyễn Quốc Hùng…
Tiếp nhận tài liệu, hiện vật của GS.NGND Vũ Dương Ninh. |
Đặc biệt, bộ băng ghi âm “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” được Giáo sư Văn Tạo thu âm lại và trao tặng cho Trung tâm là một bộ tư liệu di sản ký ức vô cùng đặc biệt và quý giá, bao gồm từ ký ức về quê hương, gia đình cho đến quá trình học tập, công tác, lịch sử của ngành Sử học nước ta gắn liền với bối cảnh xã hội từng thời kỳ ông trải qua.
“Những sưu tập tài liệu, hiện vật mà các nhà khoa học trao tặng cho Trung tâm Di sản không chỉ phản ánh quá trình học tập, lao động của họ, mà còn góp phần làm rõ bức tranh sử học Việt Nam qua từng thời kỳ”, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy khẳng định.
Nhân dịp này, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh, nguyên Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội) đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam gần 700 tài liệu, hiện vật, là thành quả nghiên cứu của ông trong nhiều năm qua.
Giáo sư Vũ Dương Ninh được biết đến là người đầu tiên đưa môn Lịch sử văn minh thế giới vào giảng dạy trong các trường đại học ở Việt Nam và là một trong những người khởi xướng và thành lập ngành Nghiên cứu quốc tế. Trong số hàng trăm tài liệu, hiện vật của Giáo sư Vũ Dương Ninh trao tặng lần này, có nhiều tài liệu quý như 4 cuốn sổ ghi chép bài giảng từ năm 1994-2000 về các chuyên đề Lịch sử thế giới, Lịch sử Đông Nam Á, Lịch sử văn minh thế giới, Lịch sử quan hệ quốc tế; các bài nghiên cứu, giáo trình, sách chuyên khảo. Đặc biệt, cuốn “Lịch sử thế giới cận đại”, “Lịch sử văn minh thế giới” đã tái bản đến lần thứ 18...
Các tài liệu, hiện vật này không chỉ phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Vũ Dương Ninh, mà còn là nguồn tư liệu có giá trị để tìm hiểu về lịch sử phát triển của ngành Sử học và khoa học Lịch sử ở Việt Nam.