Xuyên suốt cuộc hành trình từ quá khứ đến hiện tại, “Hà Nội thu nhỏ” với Vua Lý Thái Tổ đọc Chiếu dời đô, với phiên chợ Hà Thành thời xưa bình dị, với trường thi và sĩ tử đi thi… rồi đến lớp bình dân học vụ, đám cưới Hà Thành, giải phóng Thủ đô… đều được các nghệ nhân làng nghề truyền thống Tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) thực hiện một cách tỉ mỉ, tinh xảo tạo nên một bức tranh tổng thể sinh động, hấp dẫn.
Nghệ nhân Đặng Văn Khương – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Làng nghề Tò he Xuân La cho biết, để hoàn thiện được mô hình này, Câu lạc bộ làng nghề đã huy động khoảng 70 nghệ nhân và hội viên cùng làm trong suốt 20 ngày để hoàn thiện trước khi mang tới Lễ hội.
Để làm được những mô hình này, các hội viên Làng nghề đã tập trung nghiên cứu các tài liệu từ cổ xưa đến hiện tại, các danh lam thắng cảnh, di tích của Hà Nội và phong tục tập quán đặc trưng của đất Hà thành qua những thời kỳ.
“Ví dụ như mô hình chợ quê Hà thành mà câu lạc bộ làm chẳng hạn, các hình ảnh nhằm tái hiện một cách chân thực nhất, bình dị nhất, dù Chợ phiên đã ra đời đã từ rất lâu ở mảnh đất Kinh kỳ, là nơi tụ họp buôn bán, giao thương lớn bậc nhất cả nước. Chợ phiên cũng tấp nập, nhộn nhịp không khí mua bán nhưng không ồn ã, xô bồ như các chợ dân sinh thường nhật. Chính vì vậy mô hình phải làm toát lên được sự yên bình ấy nhưng vẫn phải đảm bảo cái tấp nập của một phiên chợ Kinh kỳ. Những món hàng ngày xưa cũng được các nghệ nhân kỳ công thực hiện như đĩa bánh cuốn, bát nước chấm, hoa quả… những món ăn truyền thống đất Hà thành xưa…”, nghệ nhân Đặng Văn Khương chia sẻ.
|
Là một làng quê bình dị ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, làng Xuân La từ lâu đã nổi tiếng với một nghề độc nhất vô nhị ở nước ta - nghề nặn tò he. Vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh, nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ tuổi thơ ở khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt.
Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá.... Bên cạnh hình thù các con vật, nghệ nhân còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng.
Qua quá trình hình thành và phát triển làng nghề, cho đến nay, nặn tò he đã tạo nên những “công trình” tinh xảo hơn, cầu kỳ hơn và “kể” được những câu chuyện lịch sử, quá trình hình thành phát triển của xã hội qua nặn tò he.
Câu chuyện về Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại được các nghệ nhân "tái hiện" qua nghệ thuật dân gian Tò he:
Ảnh: Bảo Thoa - Lao động Xã hội