Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe của Cảnh sát PCCC và xe khách trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra ba ngày trước khiến một chiến sỹ hy sinh và nhiều người bị thương, trên mạng xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận về quyền ưu tiên của xe cứu hỏa và tình huống bất khả kháng của tài xế xe khách. Nhiều ý kiến cho rằng, người điều khiển xe khách không có lỗi, trong khi đó có ý kiến cho rằng xe cứu hỏa đi không sai luật.
Người điều khiển xe cứu hỏa thiếu quan sát
Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với Tiền Phong, đại tá Trần Sơn – nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các phương tiện được chạy tối đa 100km/h.
Đại tá Trần Sơn nêu quan điểm, trong điều kiện trời mưa, đường trơn và tầm nhìn hạn chế thì người lái xe cứu hỏa dù được quyền ưu tiên nhưng phải hết sức thận trọng chấp hành các quy định khi nhập vào làn cao tốc, phải đi vào làn đường theo quy định rồi mới được lưu thông bình thường.
Tình huống này, người điều khiển xe cứu hỏa vào cao tốc không đi vào làn đường khẩn cấp mà lái xe sang làn đường dành cho phương tiện lưu thông với tốc độ cao nhất (làn số 1) dẫn đến xe khách không kịp phản ứng, đâm trực diện xe cứu hỏa.
“Qua clip ghi lại vụ việc có thể thấy, lái xe cứu hỏa thiếu quan sát và chủ quan. Nếu tài xế xe khách đánh lái, rất có thể xe lật nghiêng, lộn nhiều vòng và cũng không thể lường trước được hậu quả”, đại tá Trần Sơn nói.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông, đại tá Trần Sơn cho rằng, cơ quan điều tra sẽ phải xác định tốc độ xe khách thời điểm xảy ra sự cố, xe cứu hỏa có phát đủ tín hiệu báo hiệu quyền ưu tiên hay không? Đồng thời, kết hợp kết quả khám nghiệm, lời khai các bên, nhân chứng và video toàn cảnh vụ việc để xác định nguyên nhân, lỗi vi phạm đối với người điều khiển của từng phương tiện.
“Theo tôi, cả người điều khiển xe khách và người điều khiển xe cứu hỏa đều có lỗi. Còn bên nào lỗi nghiêm trọng hơn thì cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan CSĐT”, đại tá Trần Sơn nói.
Xe ưu tiên vẫn phải đảm bảo an toàn
Còn luật sự Nguyễn Anh Thơm, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 22, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Về vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa xe cứu hỏa đang trên đường đi làm nhiệm vụ và di chuyển ngược chiều trên cao tốc với xe khách đang đi trên đường, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải làm rõ mức độ lỗi của người lái xe cứu hỏa và xe khách.
Nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ưu tiên dù khi mình có đủ khả năng để quan sát xe cứu hỏa đang di chuyển vào đường cao tốc mà không chủ động giảm tốc, nhường đường dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo, Điều 260 BLHS 2015.
Theo luật sư Thơm, bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải xem xét việc điều khiển xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ vào đường cao tốc. Dù là xe ưu tiên số 1 nhưng về nguyên tắc khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường. Bởi các lẽ sau:
- Thứ nhất, xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ khi lưu thông trên đường không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
“Như vậy, khi Cơ quan PCCC nhận được tin báo và điều động xe cứu hỏa đi vào cao tốc cần thiết phải thông báo cho CSGT quản lý đường cao tốc hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc để có phương án chủ động phân luồng giao thông, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông.
Nếu cơ quan PCCC chưa có biện pháp thông báo cho CSGT hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc thì cũng cần thiết phải xem xét trách nhiệm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật” – luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.
- Thứ hai, khi xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc ngoài việc có đèn tín hiệu cảnh báo thì phải quan sát và đi vào phần đường quy định ở làn khẩn cấp. Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.
“Từ những nhận định trên, theo quan điểm của tôi, trường hợp nếu xác định lái xe khách có lỗi trong vụ tai nạn thì là thuộc trường hợp lỗi hỗn hợp – việc xử lý trách nhiệm sẽ xem xét bên nào lỗi nhiều hơn thì bên đó bị xử lý. Tùy theo tính chất mức độ đánh giá, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh xảy ra va chạm, nếu có căn cứ xác định xe PCCC có lỗi chính dẫn tới gây tai nạn thì chưa tới mức truy cứu trách nhiệm lái xe khách là có căn cứ” – lời luật sư.
Theo Tiền Phong