Theo Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh (APA), doanh thu sách nói toàn cầu đã tăng mạnh trong 10 năm qua. Ước tính, thị trường sách nói của thế giới sẽ đạt quy mô trên 30 tỷ USD vào năm 2030. Điều này cho thấy, chuyển dịch từ vận hành truyền thống sang kỹ thuật số là hướng đi đúng đắn của ngành xuất bản.
Tại Việt Nam, sách điện tử, sách nói đã ghi những dấu mốc ấn tượng. Từ năm 2015, một số nhà xuất bản bắt đầu thử nghiệm xuất bản xuất bản phẩm điện tử với khoảng 1.163 đầu sách, hầu hết là sách sao chép từ sách in để bán qua trang web.
Đến tháng 11/2023, toàn quốc có 22 nhà xuất bản đăng ký và được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; 20 doanh nghiệp phát hành đăng ký và được xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Năm 2023, toàn ngành Xuất bản, doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng (giảm 2% so với năm 2022); tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022).
Một số số liệu nổi bật của ngành có thể kể đến như: Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch)...
Nắm bắt thị hiếu của công chúng, nhiều nhà xuất bản đã xây dựng các nền tảng, ứng dụng về sách trên Internet. Hiện nay, sách nói có bản quyền đang được các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành đầu tư chuyên nghiệp về quy trình xuất bản, công nghệ xuất bản, thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi, giúp độc giả tiếp cận kho tàng sách với nhiều thể loại như văn học, kinh doanh, kỹ năng sống, sách thiếu nhi...
Các địa chỉ sách nói uy tín như https://sachnoi.com.vn; https://fonos.vn; https://sachnoi.me, https://voiz.vn.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số, các doanh nghiệp phát hành sách nói đã nỗ lực áp dụng rất nhiều phương thức để đưa sách nói đến độc giả như cung cấp các nội dung thu phí theo nhu cầu của người nghe.
Một số doanh nhiệp phát hành đã chủ động ký hợp đồng độc quyền với các đối tác uy tín, nhà xuất bản, đơn vị phát hành và người làm podcast nổi tiếng...; tích hợp tính năng xem, đánh giá nội dung từ các chuyên gia; đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo đọc văn bản (AI Voice) để tối ưu chi phí sản xuất, tạo thế mạnh về công nghệ.
Một số diễn đàn sách nói phổ biến ở Việt Nam như: Hẻm Radio, Waka, Kho sách nói (đã chuyển thành nhóm nội bộ), Gác sách, Thư viện sách nói Hướng Dương, Sách nói Việt, Sách mp3, Trạm radio, Radio truyện, Radiotoday, Sách nói mẹ, các tài khoản YouTube, Facebook, Instagram cá nhân...
Một số diễn đàn thể hiện rõ phân khúc thính giả khi tác phẩm được đọc chủ yếu là thể loại ngôn tình, kiếm hiệp, dã sử..., hướng đến người nghe trẻ tuổi. Các ứng dụng được đánh giá là tiện lợi với các tính năng như đánh dấu trang, quay lại vị trí đang nghe bất cứ lúc nào; tải sẵn nội dung về máy và nghe ngoại tuyến (offline) khi không có kết nối mạng; cá nhân hóa nội dung, cho phép người dùng trải nghiệm tối ưu hơn...
Chia sẻ về định hướng phát triển thị trường sách nói thời gian tới, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết sẽ chuyển đổi phương thức xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập.
Phát triển thị trường sách điện tử, sách nói với mục tiêu đến năm 2025, số lượng xuất bản phẩm điện tử chiếm tỷ lệ 30% trong tổng số xuất bản phẩm xuất bản hằng năm. 100% nhà xuất bản thực hiện quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trên nền tảng công nghệ số.
Năm 2024, các nhà xuất bản, phát hành sách cần nỗ lực chuyển mình, thích nghi với những yêu cầu mới của thị trường truyền thống, không ngừng thay đổi để đón đầu làn sóng chuyển đổi số phục vụ độc giả, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nêu rõ.