IPP Air Cargo chưa được duyệt
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay. Hệ thống công ty của ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hàng hiệu và hàng không.
Sau khi thâu tóm Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS), ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại có động thái mở rộng quyền lực của mình hơn nữa trong mảng hàng không. Đó là xin thành lập một hãng vận tải.
Hồi giữa năm nay, Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa.
Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn). Bà Tiên cũng là tổng giám đốc của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), hạt nhân của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương.
IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Tuy nhiên, giữa tháng 7 năm nay, Báo cáo Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị chưa xem xét cho phép lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay.
Cục Hàng không cho biết: theo quy định tại nghị định số 89/2019/NĐ-CP về kinh doanh hàng không, Thủ tướng có thẩm quyền xem xét, cho phép (hoặc không cho phép) Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho người đề nghị cấp giấy phép.
Tuy nhiên, Cục Hàng không dẫn công văn số 5833/VPCP-CN ngày 17-7-2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải việc "thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022".
Johnathan Hạnh Nguyễn đang đối diện với nhiều vấn đề trong hoạt động kinh doanh của IPPG |
Dòng tiền “hạt nhân” âm nặng
Hệ sinh thái của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn có hàng chục công ty. Trong đó, nổi bật nhất và được đánh giá vai trò “hạt nhân” chính là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong năm 2020 dòng tiền tại công ty này đã phát sinh nhiều vấn đề dù doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng dương bất chấp đại dịch Covid-19.
Cụ thể, năm 2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty tăng nhẹ từ 452 tỷ đồng lên 497 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 12 tỷ đồng, tương đương 6% lên 212 tỷ đồng. Đà tăng không lớn nhưng vẫn đáng khích lệ khi mà đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đương đầu nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, cần lưu ý, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương trong tình trạng âm nặng dòng tiền. Tại thời điểm cuối năm 2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty là âm 115 tỷ đồng. Thậm chí, trước đó trong năm 2019, thời điểm dịch Covid-19, con số này là âm 71 tỷ đồng.
Trong khi đó, không phải hoạt động đầu tư của công ty cũng đạt hiệu quả. Tại thời điểm cuối năm 2020, công ty ghi nhận 2.344 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn. Nhưng công ty phải chi tới 189 tỷ đồng cho những khoản đầu tư thua lỗ.
Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm và Giải khát Việt Nam khiến IPPG phải “treo tiền” nhiều nhất với khoản dự phòng lên đến 111 tỷ đồng. Tại công ty này, IPPG nắm tới 89% vốn, tương đương 419 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số công ty khác khiến IPPG phải trích lập dự phòng là Công ty TNHH Dịch vụ phân phối Đông Dương (30 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ giải khát Đông Dương (27 tỷ đồng), Công ty TNHH Á Đông (12,75 tỷ đồng). Đây là những khoản đầu tư có khả năng mất trắng vì có đến 2 trong 3 công ty đã tạm ngưng hoạt động.
Công ty âm nặng dòng tiền, IPPG có tổng vay nợ lên đến 1.203 tỷ đồng. Chi phí lãi vay năm 2020 của IPPG là 68 tỷ đồng. Dù vậy, IPPG vẫn cho nhiều cá nhân vay hàng trăm tỷ đồng, trogn đó có vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2020, công ty ghi nhận khoản phải thu về cho vay ngắn hạn với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên là hơn 345 tỷ đồng, với hai con trai ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Phi Long lần lượt 102 tỷ đồng và 32 tỷ đồng.
Như vậy, vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn phải trả IPPG tổng số tiền 479 tỷ đồng, bằng 96,4% tổng doanh thu IPPG năm 2020.
Cùng lúc đó, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên nhận tạm ứng lên tới hơn 264 tỷ đồng. Con số này cuối năm 2019 chỉ là 20 tỷ đồng.