Phát biểu tại Lễ trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trồng rừng luôn phải đi đôi với bảo vệ rừng, vì vậy cần không ngừng nâng cao ý thức, có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn, đẩy lùi mọi hành động chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rừng, chế biến lâm sản, có nhiều cơ chế chính sách tốt để hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh, bền vững.
Ảnh minh họa |
Tích cực hưởng ứng tết trồng cây
Nhận thức được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng an ninh, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025".
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng; nhờ đó đã tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm triển khai Đề án trồng một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025, cả nước đã trồng được 770 triệu cây, đạt 121%, gồm: 335 triệu cây xanh phân tán; trồng rừng tập trung đạt trên 212 nghìn ha với 435 triệu cây xanh. Riêng năm 2023, cả nước đã trồng được 260 nghìn ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2023 đạt 14,4 tỷ USD. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt trên 32 triệu m3 gỗ. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 42%. Lần đầu tiên nước ta bán tín chỉ carbon rừng, thu được gần 1.200 tỷ đồng.
Là một trong những địa phương dẫn đầu về tiến độ thực hiện đề án, các thành tích về tỷ lệ trồng rừng mới hằng nằm của Tuyên Quang đạt kết quả tốt: trồng trên 11 nghìn ha rừng/năm; tỷ lệ che phủ rừng luôn được giữ vững, ổn định trên 65%, đứng nhóm đầu cả nước, đứng thứ 2 cả nước về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Ngày 15/2, tại Tuyên Quang, ngay sau tiếng trống phát động Tết trồng cây của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, khí thế thi đua trồng cây đã được lan tỏa khắp các địa phương, đã có trên 3.000 cây chò chỉ, keo lai mô được trồng xuống, mở đầu cho mùa trồng cây gây rừng năm 2024.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Bình xác định, trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền quá trình phát triển toàn diện của thành phố, không chỉ cho hôm nay mà cả thế hệ mai sau. UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo ngày 15/2/2024 (tức mùng 6 tháng Giêng) là ngày toàn tỉnh tổ chức phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, dự kiến năm 2024 trồng khoảng 80.000 cây lâm nghiệp và trên 1,4 triệu cây phân tán nội đồng...
Tại nhiều vùng, miền trên cả nước, biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Để giảm thiểu nguy cơ, người dân trong tỉnh nâng cao ý thức, hăng hái tham gia phong trào trồng cây gây rừng. Tỉnh hiện đứng thứ 2 trên toàn quốc về độ che phủ rừng. Năm 2023, Quảng Bình trồng được hơn 10.000 ha rừng các loại, cùng gần 759.000 cây phân tán. Cuộc sống của số đông người dân trong tỉnh ngày càng được cải thiện nhờ kết quả mang lại từ rừng, trong đó đáng kể nhất là việc bán tín chỉ carbon thu được hàng trăm tỷ đồng.
Thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, ngày 14/2, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã ra quân trồng cây xanh trên các đảo, với tổng số hơn 3.000 cây, trong đó trồng mới hơn 1.000 cây các loại như: dừa, mù u, bàng vuông, tra và một số loại cây ăn quả; tiến hành chăm sóc, cắt tỉa cho hơn 2.000 cây xanh các loại trong khuôn viên các đảo. Phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh luôn được cán bộ, chiến sỹ trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa tham gia tích cực, sôi nổi.
Góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái
Phát biểu tại Lễ phát động trồng cây mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: Trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau. Cây cối đã giúp nhiều cho sự sống của con người, vì vậy cần bảo vệ và trồng nhiều cây hơn nữa bằng tình yêu, lòng biết ơn và sự khiêm nhường đối với thiên nhiên tươi đẹp.
Các ngành, các cấp cần tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Việc tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, tạo điều kiện để huy động được sự vào cuộc của đông đảo các tổ chức quần chúng; chú trọng chọn lựa cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bản để bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả.
Mục tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Để chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị để tổ chức phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" thiết thực, hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng.
Theo đó, để tổ chức phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" thiết thực, hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai; chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo thế giới về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ thiên tai; tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 và Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp theo đúng quy định của pháp luật; xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm…
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Do đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng trở nên quan trọng.