Một đêm hè nóng nực cách đây nhiều năm, tôi vào phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức.
Giường bên cạnh có cô gái trẻ bê bết máu cũng do tai nạn, một tay nẹp gỗ sơ cứu trắng toát, mắt mở trừng thất thần hướng lên trần nhà. Vài y tá, bác sĩ xoắn lại quanh đó, có người cầm kéo nhẹ nhàng luồn lưỡi kéo phẫu thuật sắc lẻm cắt dọc chiếc áo bệnh nhân, cô gái yếu ớt dường như theo phản xạ quờ nhanh bàn tay còn lại tóm chặt lấy manh áo.
- Cháu bỏ tay để chú cắt áo ra mới cứu được cháu chứ, có gì đâu mà phải xấu hổ con gái...
Một giọng nói ấm, chậm, đầy tin tưởng.
Thời những năm vất vả bao cấp, đám trẻ thỉnh thoảng lại hò hét bám theo ngoài đường những cô gái mà chúng tôi gọi là "con điên", tóc tai rối bời nhem nhuốc, lững thững vô định ngoài phố, trần trùng trục thậm chí còn không mặc cả quần nữa.
Trong phố thế nào cũng lại có bà mắng xa xả đám trẻ hiếu kỳ rồi tất tả chạy vào nhà nhặt vội manh áo cũ, tấm chăn rách lao vào vật lộn, năn nỉ mặc lên người cho họ.
Manh áo che cơ thể người phụ nữ luôn có một giá trị nào đó, ấm áp - văn hóa, không cho chủ nhân nó thì cũng cho những người dưng đối diện.
Tôi không có ý định so sánh điều đó với những chiếc áo đã được cởi sẵn như các bạn được thưởng lãm miễn phí mấy ngày qua.
Thân thể cha mẹ trao tặng và ta là chủ nhân của nó, nâng niu, gìn giữ hay cho phép một đám đông thưởng thức nó miễn phí. Có thể điều đó tước đoạt trắng trợn phần lớn giá trị tấm thân ấy khi run run tần ngần cởi áo trước một người đàn ông xứng đáng, mà người xứng đáng thì thường gặp rất trễ - ở đoạn đời nhìn dọi vào hồi ức, lặng lẽ lại thấy mình bỗng quá rẻ mạt.
Tư cách một con người không phải để gặp những kẻ xa lạ, chúng liếc thoáng đảo từ trên xuống dưới tủm tỉm cười, anh nhìn em quen quen, hình như là ở trên mạng.