Tên chính thức của Đài Loan tại Thế vận hội đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng sau khi người Hàn Quốc gọi hòn đảo tự trị là "Đài Loan", chứ không phải "Đài Bắc Trung Hoa", khi đưa tin về trận chung kết của môn bắn cung nam.
Cụm từ "các cầu thủ Đài Loan" đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội Twitter, với nhiều người đặt ra câu hỏi về lý do tại sao lá cờ chính thức của Đài Loan không được hiển thị, cũng như bài hát của nước này được phát trong lễ trao huy chương.
Một tài khoản từ Hàn Quốc đã cảm thán: "Thật buồn khi các vận động viên Đài Loan không thể sử dụng quốc kỳ của họ trong Thế vận hội", trong khi một người khác bình luận: "Họ làm tôi nhớ đến Sohn Kee-chung, vận động viên giành huy chương vàng của Hàn Quốc trong môn marathon trong Thế vận hội Berlin 1936." Trong thời gian Hàn Quốc nằm dưới sự thống trị của Đế quốc Nhật Bản, Sohn đã tham gia sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh với tư cách là thành viên của đội Nhật Bản, sử dụng tên tiếng Nhật là Kitei Son.
Một tài khoản từ Đài Loan đã đăng tải: "Mọi người đều gọi chúng ta là 'Đài Loan'. Khi nào chúng ta có thể tự gọi mình là Đài Loan?" Bài đăng đã được chia sẻ hơn 7.400 lần và thu về hơn 6.900 lượt thích.
Một người khác nhận xét: "Hàn Quốc thực sự rất ấm áp, và chúng tôi rất cảm động. Hãy tới Đài Loan nhé!"
Cư dân mạng Đài Loan đã đồng loạt đăng các bình luận cảm ơn truyền thông và người dân Hàn Quốc, đánh giá Hàn là một "nước láng giềng tốt". Đây được xem như một điểm nhấn cho công cuộc ngoại giao nhân dân giữa hai nước.
Từ sau Nghị quyết Nagoya 1979, Đài Loan được tham dự các sự kiện thể thao quốc tế như một đoàn độc lập với Trung Quốc, với điều kiện họ buộc phải thay đổi cờ và bài hát đại diện, cũng như phải sử dụng danh xưng mới là "Đài Bắc Trung Hoa". Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từng lên tiếng cảnh báo rằng Đài Loan có thể bị trục xuất khỏi IOC và cấm thi đấu nếu nước này tiếp tục thúc đẩy việc đổi tên chính thức thành "Đài Loan".