Đó là những gì đã và đang diễn ra tại thôn Tràng Sòi (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Thôn 3 người ở
Theo tìm hiểu, thôn Tràng Sòi được thành lập năm 1992 với 40 hộ dân nghèo di cư đến lập nghiệp, là 1 trong 3 thôn kinh tế mới (cùng với Liên Phong và Trung Long) của xã Triệu Ái.
Đến thôn vào một buổi trưa nắng gắt đầu hè, chúng tôi nhận thấy khắp thôn chỉ toàn cây rừng, dứa và những mái nhà lụp xụp, đóng cửa yên ắng. Ngôi nhà duy nhất có người chính là nhà của ông Nguyễn Các (73 tuổi) và người vợ là bà Trần Thị Lợi. Nhâm nhi tách trà nóng, ông Các cho biết ngày xưa thôn rất nghèo; ai lên định cư ở đây đều được nhà nước hỗ trợ gạo, cấp đất rừng và đất trồng trọt. Đến khoảng năm 2000, thôn chỉ còn 15 hộ do thiếu điện nước, không có nơi buôn bán, trường lớp, giao thông đi lại vất vả... nên di cư hết. Và từ năm 2012 đến nay chỉ còn 8 hộ song thực chất ở chỉ duy nhất là còn hộ ông Các.
Giấy khen mà ông trưởng thôn treo trong căn nhà nhỏ của mình. |
“Năm 1992, cả nhà tôi quyết định đi lập nghiệp với mong muốn đổi đời nhờ rừng nên lên đây sinh sống. Cả hai vợ chồng có 5 người con nhưng chỉ có một đứa con trai là ở lại đây. Vì vậy thôn chỉ có 3 người. 7 hộ dân khác vì có rừng nên thi thoảng lui tới thăm rừng hoặc những lúc thôn có việc thì tham gia chứ không ở...”, ông Các nói.
Dù số dân rất “khiêm tốn” nhưng nơi này vẫn có đầy đủ “bộ máy hành chính”. Ông Nguyễn Các hiện làm trưởng thôn, kiêm trưởng ban Công tác Mặt trận, kiêm Chi hội trưởng Người cao tuổi, mỗi tháng ông nhận 1,5 triệu tiền lương. Công an viên là ông Hoàng Minh Phong còn Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm Chi hội trưởng nông dân là bà Võ Thị Ba; hai người này đã về sống ở thôn Hà Xá (xã Triệu Ái) gần quốc lộ 1A để thuận lợi cho con cái học hành... “Các hộ trong thôn đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; nhiều năm liền đạt thôn văn hóa tiêu biểu, tham gia tốt cuộc vận động ngày vì người nghèo. Thôn không có đánh nhau, không bài bạc, không li dị vì những điều này nên tôi nhận rất nhiều bằng khen từ địa phương đến Trung ương”, ông Các vui vẻ cho hay.
Chờ ngày sáp nhập
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Sỹ Dũng, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái xác nhận rằng, xã Triệu Ái có diện tích tự nhiên gần 11.000 ha thì Tràng Sòi đã chiếm đến 4.000 ha, chủ yếu là đất rừng.
Thôn Tràng Sòi chỉ có một hộ dân là bà Trần Thị Lợi sinh sống. |
Về vấn đề thôn chỉ có một hộ dân nhưng vẫn đầy đủ các chức danh bình thường như bao thôn khác, ông Dũng trần tình rằng ông đã đề xuất với huyện sẽ tinh giảm cán bộ nơi đây, chỉ còn chức trưởng thôn. “Việc điều chỉnh tinh gọn bộ máy hành chính đã có trong nghị quyết Trung ương 6, có lẽ trong thời gian không xa, phải sáp nhập Tràng Sòi với thôn khác, cụ thể khi nào thì các cấp có thẩm quyền xem xét sau...”, ông Dũng cho hay.
Được biết, ông Nguyễn Các đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng tặng hàng chục bằng khen, giấy khen vì những “thành tích” mà ông làm cho thôn. Dư luận đặt câu hỏi tại sao vị trưởng thôn chỉ quản lý “gia đình mình” mà ông này lại được nhận rất nhiều bằng khen.
Ông Dũng bảo rằng: “Ông Các trồng tràm, cao su giỏi, trồng rừng có chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp), mới đây lại còn tiên phong đổi mới giống cây trồng khi ông trồng thêm dứa. Nhiều người tìm đến ông để nghe lời những khuyên hay và tham khảo kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Vả lại trong công việc thì ông Các có tinh thần trách nhiệm cao, được lòng nhiều người, uy tín... Vì thế ông Các có nhiều bằng khen cũng là điều xứng đáng”.
Đường vào thôn gập gềnh, bụi bặm. |
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ Quảng Trị vào năm 2013 thì tỉnh Quảng Trị có khá nhiều nơi rất ít hộ dân như Tràng Sòi. Có thể kể đến như xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng) có 6 thôn thì đến 3 thôn ít dân gồm Thượng An chỉ 6 hộ/32 khẩu, Lương Chánh 7 hộ/22 nhân khẩu và thôn Thuận Đức 11 hộ/47 khẩu; phường Đông Giang (TP Đông Hà) có khu phố 10 với chỉ 18 hộ dân; xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) có thôn Đồng Giám chỉ 7 hộ/30 khẩu...
“Hồi xưa mới lên, cực khổ không tả nổi thế mà tôi còn chưa bỏ nơi đây nữa là. Bao nhiêu dự định của tôi ở Tràng Sòi chỉ lo không đủ sức làm. Việc sát nhập thôn tôi với thôn khác hay không thì phải theo pháp luật, theo cấp trên. Nhưng tôi vẫn muốn “quản lý” nơi này, không hưởng lương thì tôi vẫn sẽ làm...” - ông Các vừa nói vừa nở nụ cười thật tươi.