Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; các Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực; Cục Bổ trợ - Bộ Tư pháp, Cục C10 - Bộ Công an, Cục Trẻ em - Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giám định, tâm thần, nhi khoa vào Dự thảo quy trình giám định pháp y tâm thần đối với trẻ em bị ngược đãi và trẻ em bị xâm hại tình dục
Theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, những năm gần đây, rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được đưa lên các phương tiện truyền thông đã gióng lên hồi chuộng cảnh tỉnh đến nhiều người về việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Tất cả những hành vi cố y gây tổn hại đến tinh thần, thể xác của trẻ em đều bị pháp luật xử lý. Kết luận giám định pháp y tâm thần đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi và bị xâm hại tình dục là căn cứ pháp lý để xây dựng chương trình hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho những trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục cũng như việc xử lý đối với những đối tượng đã gây ra hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với trẻ em.
Thực hiện Luật giám định tư pháp, công tác giám định pháp y tâm thần nói chung và công tác giám định pháp y tâm thần các trường hợp trẻ em bị ngược đãi, trẻ em bị xâm hại được thực hiện bởi các tổ chức giám định pháp y tâm thần trên cả nước, bao gồm: Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực. Kết luận giám định cung cấp những chứng cứ khoa học giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ việc đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Tiến sĩ Vương Ánh Dương cho biết thêm, hàng năm, các tổ chức pháp y tâm thần trên cả nước giám định khoảng hơn 100 trường hợp có dấu hiệu xâm hại tình dục. Trong năm 2022, giám định pháp tâm thần liên quan đến xâm hại tình dục tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương là 24 trường hợp, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa 19 trường hợp, 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực là 65 trường hợp.
Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về các trường hợp là trẻ em. Các trường hợp giám định pháp y tâm thần trẻ em bị ngược đãi rất hạn chế do trẻ em không được đưa đến các cơ sở giám định hoặc được phát hiện kịp thời.
Thực hiện Luật Trẻ em 2016, với mục tiêu giám định cần phải tiến hành sớm vì còn liên quan đến việc tư vấn điều trị, đặc biệt làm giảm hậu quả tổn thương tâm lý của trẻ nhỏ về sau. Đối với các nạn nhân bị bạo lực, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng yếu thế cần được tập trung quan tâm, bảo vệ nhiều hơn cả.
Tuy nhiên, trẻ em là một đối tượng đặc thù (trẻ em không phải người lớn thu nhỏ), trẻ em không chỉ có sự khác biệt về thể chất, mà còn khác biệt về tâm sinh lý, về phương thức tiếp cận, khai thác và hỗ trợ trẻ. Do đó, các quy trình đưa ra cần sự thống nhất cũng như phải tính đến những khó khăn và phát sinh trong quá trình thực hiện ví dụ như trẻ không có người giám hộ, trẻ lang thang cơ nhỡ…
Chính vì vậy, để có hướng dẫn thống nhất trong quá trình từ khi tiếp nhận trẻ em bị ngược đãi/xâm hại tình dục có thể khám giám định, được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho những trẻ bị bạo lực, bị xâm hại thì cần phải xây dựng quy trình giám định pháp y tâm thần đối với trẻ em bị ngược đãi và trẻ em bị xâm hại tình dục được sử dụng toàn quốc, Tiến sĩ Vương Ánh Dương cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực trẻ em hoặc lĩnh vực tâm thần đối với bản dự thảo Quy trình giám định pháp y tâm thần thần đối với trường hợp xâm hại, bạo lực trẻ em cũng như những khó khăn và phát sinh trong quá trình thực hiện…
Dự kiến, Quy trình sẽ được ban hành vào cuối năm 2023 để phục vụ công tác chuyên môn cho các cơ quan giám định, giám định pháp y tâm thần và cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.