Sự việc ngư dân Phan Văn Cư (SN 1962, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tử vong vì ngộ độc cua đã trôi qua gần 1 tuần. Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng bởi ông Cư là một người làm nghề biển lâu năm nên không thể không nhận ra sự khác biệt giữa các loại cua, cá.
Sau khi ông Cư qua đời, một số người quen cạnh nhà đã chia sẻ hình ảnh chú cua lạ trên facebook, thậm chí một số người còn nhận định nạn nhân ăn phải cua "mặt quỷ" nên tử vong.
Trao đổi về việc này, anh Phan Văn Công (SN 1983, cháu ông Cư) phủ nhận: "Một số hình ảnh mọi người chia sẻ trên mạng xã hội là không chính xác. Chú tôi không ăn phải cua "mặt quỷ" mà là một loại khác. Hình ảnh đó chỉ là cua mặt trăng - vốn loại đặc sản cua biển chứ không phải cua độc".
Nói rõ hơn về loại cua ông Cư ăn phải, anh Công kể tiếp: “Dân biển quê tôi đều biết đó là loại cua độc. Hồi trước, chú tôi cũng từng đưa một con tương tự ra để cho tôi nhận biết cua độc.
Một số người quen ông Cư chia sẻ loại cua ông Cư ăn phải là loại cua mặt trăng vốn là đặc sản chứ không phải cua độc.
Con cua này có hoa phần đầu như quả mãng cầu, 3 chấm đỏ trên vỏ. Đặc biệt hai cái càng đen to lớn, nhiều lông. Loại cua này hay nằm trong rạng san hô, chuyên ăn loại đẻn biển (hay còn gọi rắn biển) nên rất độc.
Loại cua này rất hiếm gặp, mỗi vùng biển lại thay đổi màu sắc cho phù hợp, nên đôi khi ngư dân không biết được nó là cua độc. Mọi người ở quê tôi chỉ quen gọi là cua rạng (rạng san hô - PV) mà thôi”.
Gia đình ông Cư cho biết hình ảnh loại cua độc rất hiếm gặp nên không phải ngư dân nào cũng biết về nó.
Do loại cua này ít người biết, chỉ nghe qua lời truyền lại nên nhiều khả năng ông Cư có thể đã quên nên ăn nhầm phải.
Sau khi mô tả và tìm kiếm, anh Phan Văn Quang chỉ cho chúng tôi đích xác loại cua độc mà nạn nhân Phan Văn Cư ăn lại.
Đó là loại độc có tên "Cua Florida". Loại cua này có vỏ đầu ngực gần giống hình elip ngang. Mặt lưng của vỏ cua hơi lồi nhưng láng phẳng, khó xác định các vùng. Cua sống có những vệt màu xanh da trời nhạt hơi lục, pha trộn với những vết loang màu đỏ tía. Các ngón chân kìm màu sậm, nhiều lông.
Đây là 1 trong các loại cua biển độc nếu ăn phải dễ tử vong. Nếu cua "mặt quỷ" có chứa độc tố Saxitonin, thì cua Florida ông Cư ăn phải có độc tố Tetrodotoxin.
Bác sĩ Lê Đức Nhân (Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc) cho biết: “Có nhiều loại cua chứa độc tố Saxitonin hay Tretodotoxin do săn cá nóc, đẻn biển hay tảo biển có độc. Chúng thường sống những ghềnh đá, có màu sắc sặc sỡ hay kỳ dị như cua mặt quỷ.
Gia đình ông Cư cho PV biết loại cua độc Florida mới chính thủ phạm khiến ông Cư mất ngày 15/4.
Nếu ăn phải loại cua độc thì gây ức chế hô hấp, tuần hoàn, hệ tim mạch và tử vong rất nhanh. Nguyên nhân khác có thể do trường hợp di ứng chất protein trong cua và gây sốc phản vệ. Trường hợp này phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện có thể cứu chữa”.
Bác sĩ Nhân cũng lưu ý người dân không nên ăn những loại cua có vẻ ngoài kỳ lạ, khác cua thường.
Trước đó, ông Cư vô tình bắt được 1 chú cua lạ vào sáng 14/4. Đến trưa cùng ngày, ông luộc, ăn con cua rồi bắt đầu có biểu hiện lạ.
“Anh Cư nói với tôi rằng sao mới ăn xong con cua đã thấy hoa mắt, chóng mặt. Sau đó, anh Cư vào phòng ngủ từ 12h trưa đến 2h chiều thì trở dậy, rồi kêu hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa liên tục. Tôi nghĩ lúc anh ấy bị ngộ độc nên bảo gia đình đưa lên bệnh viện Hoàn Mỹ", một thân nhân của ông Cư kể lại.
Thấy tình hình biến chứng quá nặng, gia đình ông Cư phải chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên khi kiểm tra, chất độc đã ngấm vào gan nên không thể cứu chữa. Đến 11h30 trưa 15/4, ông Cư mất trong bệnh viện.
Anh Tuấn