Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng đánh giá ngay sau Tết, các cơ quan Trung ương và địa phương bắt tay ngay vào việc, đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, không có tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như quan niệm trước đây. Hai tháng sau Tết, tình hình kinh tế-xã hội nhìn chung tích cực và phát triển tốt. Chúng ta tiếp tục tạo được không khí phấn khởi, nâng cao niềm tin trong nhân dân và doanh nghiệp. Đầu tư nước ngoài, khách du lịch đều tăng. Đến nay, hầu hết các tổ chức quốc tế nhận định năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khá.
Sau Tết, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Các lễ hội xuân được quản lý chặt chẽ hơn so với năm trước, giảm tối đa các hành vi phản cảm. Điều đặc biệt là giảm căn bản tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 2 chỉ tăng 0,23% so với tháng trước. Một số lĩnh vực an ninh xã hội, công việc chuẩn bị cho APEC 2017 cơ bản hoàn tất.
“Chúng ta nhận được nhiều tin vui như TPHCM ra quân tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, rất quyết liệt. Chúng ta cũng nhận được tin vui Hà Nội có kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe gắn máy cũ nát và dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè ở một số khu vực nội đô. Việc này không thể làm tất cả ngay, không thể làm đầu voi đuôi chuột nhưng thái độ lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn là việc hết sức hoan nghênh trong tháng sau Tết”, Thủ tướng nói, cũng như đánh giá cao việc Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu sát hạch các trưởng phòng cấp Sở.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, yếu kém, vấn đề nổi cộm thời gian qua như tai nạn giao thông, nhất là đường sắt, tăng liên tục (khiến 1.570 người chết trong 2 tháng), tình trạng ngộ độc rượu dẫn đến chết người như trường hợp ở Lai Châu hay một số vụ kinh doanh, quản lý khách du lịch vi phạm nghiêm trọng như kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm gây chết người. “Việc trao giải thưởng văn học nghệ thuật của ngành văn hóa dư luận có nhiều ý kiến, tính chất kinh doanh Grab taxi và Uber taxi là giống nhau mà Grab được kinh doanh còn Uber thì còn nói qua nói lại chuyện này”, Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng “còn nhiều tồn tại khác mà các đồng chí cần thảo luận”.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ phân tích tình hình trong nước gắn với tình hình quốc tế trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Chúng ta có nhiều chuyển biến tốt nhưng còn chậm so với các nước trong khu vực và còn nhiều việc phải làm, nhất là nâng cao hiệu quả, năng lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Tôi mới nhận được thông tin tạp chí kinh tế Nikkei Nhật Bản đánh giá chỉ số PMI của Việt Nam tháng 2 tăng tới 54,2, mức cao nhất trong 21 tháng qua, trong khi chỉ số PMI bình quân của ASEAN là 50,3”, Thủ tướng cho biết. Nhưng trên góc độ chung, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam 2 tháng đầu năm tăng 2,4%, thấp hơn nhiều mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm ngoái, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, phân phối điện... đều tăng thấp so với cùng kỳ. Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến chỉ số tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% trong khi cùng kỳ tăng 9,7%, cho thấy tổng cầu phục hồi chậm.
Về việc giá nhiều nông sản, thực phẩm còn ở mức thấp, gây khó khăn cho người nông dân, hay có thông tin giá đùi gà của Mỹ có 7.000 đồng/kg, Thủ tướng nêu vấn đề tại sao lại như vậy?
"Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam đánh giá các thách thức lớn đối với Việt Nam là năng suất lao động, đói nghèo của một bộ phận dân cư, môi trường và biến đổi khí hậu. Họ nói có đúng không? Nếu đúng thì chúng ta thảo luận, có biện pháp khắc phục thế nào”, Thủ tướng nói và cho rằng, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng thấp trong khi đó khu vực nông nghiệp không thể tăng cao nên phải có giải pháp quyết liệt để bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. "Các bộ, ngành cần có ý kiến cụ thể, từng lĩnh vực cần phải làm gì, đầu tư làm gì, tài chính làm gì, tín dụng làm gì, có kích cầu không, ở mức độ nào? Chúng ta biết khó khăn trong tăng trưởng, phải giải quyết ngay chứ để giữa năm và cuối năm thì rất khó thực hiện”, Thủ tướng nêu rõ. ”Tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, nhất là các bộ liên quan lớn đến tăng trưởng như Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính và một số ngành khác phải quyết liệt chỉ đạo, bằng mọi cách bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra”.
Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng nêu câu hỏi: Tại sao nhiều DN, nhiều chuyên gia kiến nghị về chi phí sản xuất gián tiếp tăng cao từ phí đường bộ, cảng biển cho đến chi phí thủ tục hành chính ngầm vẫn còn xảy ra trong khi Chính phủ thống nhất phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chúng ta không bao cấp nhưng trong điều kiện còn khó khăn thì phải thực hiện lộ trình tính giá, phí, lệ phí phù hợp. “Tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải có ý kiến về vấn đề này”.
Yêu cầu thảo luận về kỷ cương, kỷ luật, Thủ tướng cho biết đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cho vấn đề này, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Vấn đề đặt ra là thực hiện hiệu quả, nhất quán, liên tục chủ đề năm 2017 (Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững) trong quý I này cho tốt.
Thủ tướng đề nghị góp ý kiến cụ thể các biện pháp thực hiện kỷ luật, kỷ cương này bởi “kỷ luật, kỷ cương kém cùng với chỉ đạo không sát với kinh tế thị trường ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước”.
Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thế nào trong xử lý đối với một số vấn đề như đóng cửa rừng tự nhiên, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… Những chủ trương đó thực hiện thế nào, nói một lần đã đủ chưa hay tiếp tục phải nói rõ hơn, quyết liệt hơn ở mọi cấp, mọi ngành?
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 01 của Chính phủ, để quý I năm nay phải chuyển biến tốt hơn quý I năm ngoái, để “chúng ta không phải đầu năm thong thả, cuối năm vất vả trong chỉ đạo thực hiện những mục tiêu nhiệm vụ đã đặt ra”.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận về hàng loạt vấn đề cơ chế, chính sách, cụ thể là các dự án luật như Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Thủy sản (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo. Đồng thời, xem xét một số nội dung như dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dược, đề nghị của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Nghị định 100 năm 2015. Chính phủ nghe báo cáo, thảo luận về tình hình thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, tình hình phê chuẩn TPP và định hướng cho Việt Nam; chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế; và về các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Chinhphu,vn