“Bỏ bom” hàng ngàn tấn dưa hấu
Đầu tháng 4, nông dân trồng dưa ở huyện Tây Sơn (Bình Định) mừng ra mặt vì thương lái Trung Quốc “ăn hàng” nên giá dưa bán tại ruộng đã 8.000-12.000 đồng/kg. Theo người dân trồng dưa, đây là mức giá “trong mơ”, bởi chưa bao giờ dưa được thu mua với giá cao như vậy. Nhờ đó, người dân lãi cả 100 triệu đồng/ha dưa hấu.
Tương tự, ở Quảng Nam, trước dịp nghỉ lễ 30/4, thương lái cũng tới tận ruộng mua dưa hấu với giá 6.500 đồng/kg - mức giá khá cao giúp người trồng dưa có lãi.
Thế nhưng, niềm vui được mùa được giá chẳng kéo dài bao lâu, bởi gần đây, nông dân trồng dưa ở Quảng Nam như ngồi trên đống lửa. Dưa hấu chín đầy đồng mà thương lái Trung Quốc lại đột ngột dừng mua. Kéo theo đó, giá dưa hấu từ 6.500 đồng/kg giờ xuống chỉ còn 1.000-1.200 đồng/kg mà vẫn không bán được.
Hàng ngàn tấn dưa hấu của bà con nông dân Quảng Nam đang chờ giải cứu do Trung Quốc dừng mua |
Bội thu ngay trên cánh đồng, dưa thu hoạch chất đống trên bờ ruộng nhưng ông Nguyễn Ngọc Anh và nhiều nông dân khác ở huyện Phù Ninh (Quảng Nam) lại rớt nước mắt. Bởi, với mức giá này, mỗi sào dưa chỉ thu được hơn 1 triệu, trong khi chi phí phân bón đã hết 2 triệu đồng/sào, chưa kể tiền hạt giống, rồi công lao chăm sóc ròng rã 2 tháng trời.
Cùng cảnh ngộ, ở Quảng Ngãi, người dân cũng khóc ròng vì giá dưa hấu giảm chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg.
Ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay, lượng dưa hấu ở Quảng Ngãi và cả Việt Nam chủ yếu bán sang Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, giá dưa rớt thê thảm.
Không có người thu mua, dọc các tuyến đường các xã Tam An, Tam Lộc, Tam Phước,... (huyện Phú Ninh), dưa hấu được chất thành đống từ nhà ra ngõ. Nhiều tuyến đường, lán trại được dựng lên để bảo quản dưa và chờ được “giải cứu”.
Ông Đinh Long Toàn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh, cho biết, hiện trên địa bàn huyện có gần 100 ha dưa đang trong thời kỳ thu hoạch, ước tính khoảng hơn 3.000 tấn dưa cần được tiêu thụ. Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp, đoàn thể cùng “giải cứu” dưa, giúp người dân thoát cảnh khốn khổ vì dưa mất giá.
Thực tế, mấy năm gần đây, hầu như năm nào cũng diễn ra chiến dịch “giải cứu” dưa hấu cho nông dân miền Trung. Thậm chí, có năm còn phải giải cứu hàng chục ngàn tấn dưa vì thị trường Trung Quốc ngừng mua.
Lùng mua rễ hồ tiêu
Trái ngược với dưa hấu, ở tỉnh Đồng Nai, thương lái lại vào tận vườn lùng rễ cây hồ tiêu với giá cao ngất ngưởng lên tới 90.000 đồng/kg rễ khô và 20.000 đồng/kg rễ tươi. Theo đó, nhiều người trồng hồ tiêu đã quyết định chặt bỏ cây để đào rễ bán cho thương lái lấy tiền.
Ông Đặng Quang Hải ở xã Xuân Thọ (Xuân Lộc, Đồng Nai) có 1 ha tiêu già cỗi nên đầu tháng 3 vừa rồi ông quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn tiêu cũ để trồng mới. Khi chặt tiêu thì có thương lái tìm đặt vấn đề mua rễ tiêu. “Trước mình chặt thì gom rễ đốt, giờ họ mua thì mình bán. Tôi thu được 4 triệu đồng tiền bán rễ nhưng thật sự tôi không biết họ mua để làm gì”, ông nói.
Vườn hồ tiêu bị cắt lấy rễ cây bán cho Trung Quốc |
Theo ông Lê Đình Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, hiện tại xã Xuân Thọ đã có 14 hộ trồng tiêu đào rễ bán cho thương lái với diện tích hơn 10 ha. Khảo sát của UBND xã ghi nhận, phần lớn diện tích tiêu nông dân chặt bỏ để bán rễ đều tận dụng từ cây già cỗi, năng suất thấp.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, giá hồ tiêu đang xuống thấp chỉ còn vài chục nghìn đồng 1kg, trong khi giá rễ tiêu được thu mua khá cao nên ban quản lý lo sợ người dân sẽ chặt ồ ạt tiêu đem bán.
Trước việc thu mua rễ cây hồ tiêu, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương thông tin đến người dân những hệ lụy. Mục đích của việc thu mua này là không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, dễ dẫn đến nguy cơ người dân sẽ chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ,...
Ngoài thu mua rễ tiêu làm thuốc bắc như lời thương lái nói, theo cơ quan này, một số thương lái có thể thu mua khô rồi đem xay thành bột để trộn với tiêu thật để làm gia vị. Việc này rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi mua nhầm tiêu gia vị xay sẵn có trộn lẫn bột rễ tiêu. Bởi trong thân, gốc, rễ cây hồ tiêu có thể còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất.
Trước đó, đầu năm 2018, Sở NN-PTNT Gia Lai đã ra văn bản “cảnh báo tình hình thu gom rễ hồ tiêu không rõ mục đích trên địa bàn tỉnh” khi thương lái Trung Quốc cũng vào tận vườn lùng mua rễ hồ tiêu không rõ mục đích.
Chuyện thương lái Trung Quốc đổ dồn thu mua giá cao, sau đó đột ngột ngừng mua khiến nông sản Việt Nam rớt giá thảm hại, nông dân lỗ nặng không phải là chuyện hiếm mà lặp đi lặp lại cả thập kỷ nay. Một số chuyên gia trong ngành chia sẻ, nông sản Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt, chúng ta lại xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên chuyện bị thao túng giá là khó tránh khỏi.