Sáng ngày 9/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bạch hầu.
“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng đối với dich bệnh này là làm thế nào để dập dịch nhanh nhất, không để dịch lan rộng và đảm bảo yếu tố bền vững cho giai đoạn sau”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầy trên quy mô lớn, trước hết tại 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum có ca bệnh, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vaccine 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi: tiêm 1 mũi vaccine DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên: tiêm 2 mũi vaccine Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).
Dự kiến trong chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vắcxin 5 trong 1; 279.608 liều vắcxin DPT; và 10.111.461 liều vắcxin Td. Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh trên sẽ được tiêm các mũi vắcxin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu, theo TTXVN.
Phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh, Cục trưởng Đặng Quang Tấn cho hay, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc).
"Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng", báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ông Đặng Quang Tấn.
Trong số các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), ghi nhận có người 50-60 tuổi cũng mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%).
Cũng tại buổi làm việc, PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng thông tin dù tiêm vaccine nhưng vẫn có vi khuẩn trong người nên vẫn có khả năng lây lan. Vaccine chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bạch hầu phải phát hiện sớm. Vì thế điều tra dịch tễ để truy vết rất quan trọng giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng.