Ảnh minh họa.
“Đói” vốn, nông dân phải tìm tín dụng đen
Tại Diễn đàn Chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn: Thực trạng và giải pháp, được tổ chức vào sáng 29/9, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ nhưng vốn vay đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lại đang “khó trăm bề”.
Phần lớn các hợp tác xã, hộ nông dân rất khó để có thể tiếp cận gần với nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ hệ thống các ngân hàng, dẫn đến họ phải tìm đến nguồn tín dụng đen để vay cho đầu tư sản xuất nông nghiệp. Thực tế này đẩy hàng triệu hộ nông dân lâm tình cảnh nợ nần chồng chất, bởi vay ở tín dụng đen, lãi suất quá lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp lại đối diện nhiều rủi ro.
Thống kê của nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu Văn hóa cho thấy, tại Tây Nguyên, hơn 80% hộ nông dân đang phải nợ với mức nợ trung bình là 40 triệu đồng/ hộ. Nhiều tỉnh miền Bắc số nợ cũng cao ngất ngưởng, như tại Sơn La, 83,9% số hộ dân hàng ngày, hàng giờ phải lo trả nợ vay đầu tư sản xuất nông nghiệp.
“Đói vốn” để đầu tư sản xuất cho nông nghiệp là thực trạng tồn tại lâu nay của hơn 10 triệu hộ nông dân làm nông nghiệp. Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Verb), vướng mắc về thủ tục đi vay, tài sản thế chấp… là những lý do khiến cho phần lớn các hộ nông dân không tiếp cận được nguồn vốn tại các hệ thống ngân hàng để phục vụ cho đầu tư sản xuất nông nghiệp.
“Khó khăn về vốn và khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng lãi suất thấp, nhiều người dân đã phải tìm đến nguồn tín dụng đen vì không bị ràng buộc về tài sản thế chấp, thủ tục cho vay, song họ phải chấp nhận lãi suất cao ngất” – TS Nguyễn Đức Thành cho biết.
Theo TS Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; áp sàn dư nợ tín dụng nông nghiệp tối thiểu 20%, nhưng tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn vẫn rất thấp.
Cụ thể: Tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn tính đến tháng 6/2016 đạt 886 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ nền kinh tế; 38% hộ nông lâm thủy sản có vay tín dụng nhưng chỉ 1/3 được vay vốn ngân hàng; 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay. Nguyên nhân là do, rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp cao nhưng lợi nhận từ sản xuất nông nghiệp thấp, bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún nên các ngân hàng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Để nông dân tiếp cận được vốn vay giá rẻ
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã cho vay thí điểm chương trình tín dụng vay theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 14 của Chính phủ nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, song theo đánh giá của Verb, hạn chế của chương trình này là, việc cho vay mới chỉ tập trung vào một đối tượng chính đó là DN, vô hình chung tạo thế độc quyền giữa các tác nhân trong chuỗi, dẫn đến một số tác nhân trong chuỗi (hợp tác xã, nông dân) bị hạn chế tiếp cận nguồn tín dụng.
Làm sao để người nông dân, các hợp tác xã có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp từ các tổ chức tín dụng chính thức, các hệ thống ngân hàng mà không phải tìm đến nguồn vốn vay tín dụng đen, đó là trăn trở lâu nay của nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà làm chính sách.
Theo khuyến cáo của Verb, kinh nghiệm của nhiều chương trình tín dụng nông thôn trên thế giới đã thành công nhờ biết phối hợp cả hai khu vực tổ chức tín dụng chính thức và phi chính thức trong việc cung cấp tài chính cho nông thôn.
Điều này, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam thời gian qua hầu hết ưu đãi cho khu vực chính thức và hướng vào các ngân hàng thương mại lớn. “Bởi vậy, Nhà nước cần có định hướng phát triển thị trường tín dụng phi chính thức kết hợp song song với thị trường tín dụng chính thức như kinh nghiệm các nước đang làm” – Verb đề xuất.
Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Đức Thành, để các hợp tác xã, nông dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, “nói không” với vốn vay tín dụng đen lãi suất cao, nhà quản lý nên đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn.
“Thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ đất và các tài sản thế chấp khác, cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn ngân hàng như tài sản trên đất (nhà xưởng), tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm… của các hộ nông dân, các hợp tác xã, DN nông nghiệp” - TS Thành nêu quan điểm.