Nhiều ngày sau khi đáp chuyến bay từ Thành Đô trở về Việt Nam ăn Tết, nữ lưu học sinh T.T.H. bất ngờ khi nhận được tin báo từ trường Đại học Công nghệ Thái Nguyên – nơi cô đang theo học, rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên toàn bộ sinh viên sẽ được nghỉ học cho tới khi có thông báo tiếp theo.
* * *
Theo học tại khoa Tiếng Trung thuộc Đại học Công nghệ Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) từ năm 2015, T. H. cho biết hiện cô đang bước vào năm học cuối của chương trình học.
“Đầu tháng 6 này sẽ là thời hạn tốt nghiệp, hiện tôi đang phải vật lộn với bài khóa luận hơn 20.000 từ để kịp thời nộp đúng kỳ hạn. Kế hoạch ban đầu của tôi đó là sẽ trở lại trường ngay sau kỳ nghỉ Tết để gặp mặt trực tiếp giảng viên hướng dẫn nhằm báo cáo về tiến độ làm khóa luận cũng như nghe nhận xét, góp ý. Tuy nhiên dịch bệnh xảy ra khiến mọi thứ đảo lộn”, T. H. chia sẻ.
Nữ sinh này cho biết, theo thông báo mới nhất của nhà trường thì các lưu học sinh phải quay trở lại Trung Quốc trước ngày 14/2 để trở lại nhập học từ ngày 17/2, thế nhưng các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện vẫn bị đình chỉ vô thời hạn khiến T.H. cùng nhiều lưu học sinh Việt Nam chưa thể quay trở lại trường.
“Hiện tại, các nhóm lưu học sinh Việt Nam chỉ có thể giao tiếp với giáo viên chủ nhiệm thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat và chưa nhận được thông báo cụ thể nào. Trong nhóm chung của các sinh viên Việt Nam, mọi người vẫn chia sẻ cho nhau về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và các thành viên vẫn duy trì liên lạc với nhau để kịp thời nắm bắt thông tin mới nhất”, H. nói.
Nỗi băn khoăn lớn nhất lúc này của H. đó là hiện cô chưa thể quay trở lại Trung Quốc để hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp, trong khi visa của cô lại sẽ hết hạn.
“Khó khăn lớn nhất hiện tại của tôi đó là visa sẽ hết hạn vào tháng 8, trong khi tiến độ học tập gần như bị đẩy lùi vô thời hạn, kéo theo đó là phải dời lịch thực tập và tốt nghiệp”, H. trăn trở.
Chia sẻ thêm, H. cho biết ngoài đi học ở trường, cô còn thường xuyên nhận công việc phiên dịch cho các doanh nghiệp người Việt Nam ở Trung Quốc, đây cũng là nguồn thu nhập chính giúp cô tự chủ động trang trải sinh hoạt phí nơi đất khách.
“Nhờ thông thạo tiếng Trung, tôi có thể nhận công việc phiên dịch và theo chân các doanh nghiệp khi họ tham gia hội chợ tại nhiều thành phố ở Trung Quốc. Công việc này giúp tôi kiếm được một khoản đủ để trang trải cho sinh hoạt phí ở bên này. Với tình hình dịch bệnh như hiện tại, ngoài vấn đề học tập ra thì công việc làm thêm cũng sẽ bị gián đoạn”, H. cho biết thêm rằng có thể trong những tháng tới sinh hoạt phí của cô sẽ phải dựa vào gia đình.
Còn về vấn đề học tập, H. cho biết cách thức liên lạc duy nhất hiện nay với giảng viên hướng dẫn là qua ứng dụng nhắn tin WeChat, trước tình hình phức tạp như hiện nay thì các giảng viên trong trường đều rất bận rộn và không thể thực hiện các cuộc gọi video call để trực tiếp trao đổi với sinh viên.
“Ban đầu tôi nghĩ có thể trực tiếp gọi video call để trao đổi với giảng viên, thế nhưng cô giáo cho biết hiện tại tình hình đang rất phức tạp và bận rộn nên không thể trao đổi lâu với những sinh viên cần hướng dẫn làm luận văn. Ngoài ra, việc tham dự các lớp học online cũng không khả thi do ứng dụng WeChat giới hạn số người trong một cuộc gọi nhóm nên không thể áp dụng ngay phương pháp này.
Việc chỉ trao đổi qua tin nhắn văn bản cũng hết sức bất tiện khi giảng viên không phải lúc nào cũng sẽ trả lời ngay, khiến tốc độ làm luận văn của tôi không được đảm bảo”, H. chia sẻ.
Sau khi chính phủ Trung Quốc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc cũng như kéo dài thời gian của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, toàn bộ các học sinh, sinh viên hiện tại vẫn chưa thể quay trở lại trường học.
Trong thời gian này, những lưu học sinh đã về nước trong thời gian nghỉ Tết hiện vẫn chưa được phép quay trở lại, còn đối với những lưu học sinh chọn cách ở lại để thưởng thức không khí Tết tại Trung Quốc năm nay, chắc chắn họ đã có trải nghiệm không mấy thoải mái như thường ngày.
Theo chia sẻ của H., trường Đại học Công nghệ Thái Nguyên đã đưa ra thông báo quy định lưu học sinh bắt buộc phải ở lại ký túc xá trong thời gian này nhằm tránh sự lây lan của virus corona, đồng thời phân công nhiều giảng viên phụ trách quản lý các nhóm lưu học sinh. Bất kỳ sinh viên nào muốn ra ngoài cần sự cho phép của giảng viên phụ trách.
Mỗi ngày các sinh viên sẽ phải báo cáo kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe cá nhân lên nhóm WeChat để các giảng viên nắm bắt tình hình. Giảng viên sẽ phụ trách nhiệm vụ phân phối đồ ăn tới cho các phòng trong ký túc xá nhằm đảm bảo sinh viên tuân thủ quy định không tự ý rời khỏi ký túc xá.
Trả lời tờ The Straits Times của Singapore, Hafit Alaqouri – một lưu học sinh Libya, hiện đang theo học tại khoa Máy tính - Đại học Công nghệ Hồ Bắc, cho biết kể từ khi dịch bệnh xảy ra, anh dành cả ngày để xem phim và chơi game trong phòng.
"Trung tâm quốc tế trong trường đại học chia sẻ rất nhiều bài báo tiếng Anh, cho chúng tôi biết cách bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh. Sau đó tôi tự mua một hộp khẩu trang y tế. Mỗi sáng tôi mở cửa sổ phòng trong 20 phút và rửa tay đều đặn trước các bữa ăn. Tôi cũng dự trữ nhiều loại đồ ăn khô để cầm cự trong vòng 1 tháng”, Alaqouri cho biết.
"Gia đình tôi ở Libya lo lắng cho tôi và yêu cầu tôi trở về nhà. Tôi bảo họ đừng lo lắng và hứa sẽ có cuộc gọi video với họ qua WeChat mỗi ngày", anh nói.
Trong khi đó, Vera Syrvasova – du học sinh đến từ Nga, hiện đang lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung cho biết: "Đây là một mùa đông khác thường. Tôi dành thời gian để viết bài. Các giảng viên và bạn cùng lớp vẫn giữ liên lạc với tôi”.
Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung có khoảng 2.025 sinh viên nước ngoài, trong đó 1.046 sinh viên hiện vẫn còn ở Vũ Hán.
Trường đã phân phối khẩu trang cho sinh viên nước ngoài và yêu cầu họ tuân thủ các quy định bảo đảm sức khỏe. “Mặc dù đang trong kỳ nghỉ Tết, các cửa hàng tạp hóa trong khuôn viên trường và hai quán ăn vẫn mở cửa để đáp ứng nhu cầu của sinh viên”, ông Huang Chao, giám đốc bộ phận sinh viên nước ngoài của trường đại học cho biết.
Các ký túc xá được khử trùng hàng ngày, và trường đã tăng cường quản lý các sinh viên ra vào tòa nhà. Đối với những sinh viên không sống trong khuôn viên trường, họ giữ liên lạc qua e-mail. “Tất cả học sinh đã được nhắc nhở không trở lại trường cho tới khi có thông báo”, ông Huang nói.
Ngoài những hệ lụy phiền toái mà đại dịch Covid-19 đem tới cho mình, T.H. cho biết việc nghỉ Tết lâu hơn dự định cũng giúp cô tranh thủ có thêm thời gian để ở bên gia đình.
“Mọi năm mình chỉ được ăn Tết cùng với gia đình vài ngày rồi lại phải quay trở lại Trung Quốc để tiếp tục công việc. Năm nay do tình hình dịch bệnh ngoài dự kiến nên mình có thêm thời gian ở bên gia đình nhiều hơn để chăm sóc cho bố mẹ. Mình mong Trung Quốc sẽ sớm vượt qua được đại dịch này”.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia tổ chức các chuyến bay nhằm sơ tán công dân khỏi Vũ Hán và các thành phố khác ở Trung Quốc, những sinh viên như Alaqouri, Mirjamilov và Syrvasova lại chọn cách ở lại để đồng hành cùng người dân nơi đây.
Vào tuần trước, Hafit Alaqouri đã trải qua một kỳ sinh nhật đáng nhớ ngay bên trong ký túc xá. "Tôi có ước một điều vào sinh nhật của mình. Điều ước của tôi đó là những người bệnh sẽ sớm hồi phục và thành phố Vũ Hán sẽ quay trở lại với diện mạo như trước kia. Tôi đã nghĩ về việc đổi thên thành Vũ Hán vì tôi yêu thành phố này. Tôi muốn nhắn nhủ với người dân ở đây rằng họ không hề đơn độc ", Alaqouri nói.
Còn đối với nữ nghiên cứu sinh Vera Syrvasova, cô cho biết mình đã rất thích thành phố Vũ Hán ngay từ lần đầu tới đây vào năm 2017.
"Vũ Hán thật ngoạn mục khi tôi lần đầu đặt chân tới đây. Tôi yêu nền văn hóa phong phú và nền ẩm thực nơi đây. Người dân địa phương rất tốt bụng và thân thiện. Mọi người đều cố gắng giúp đỡ tôi đặc biệt khi họ nhận ra rằng tôi không biết nói tiếng Trung.
Về cơ bản, Vũ Hán đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi yêu thành phố này và tôi tin rằng virus corona sẽ sớm bị đánh bại", cô nói.
Sinh viên người Uzbekistan Mirsodik Mirjamilov, học năm nhất Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, đã dành 6 tháng ở Vũ Hán – tâm điểm của vụ dịch Covid-19, khi thành phố bị phong tỏa, cậu vẫn hết sức bình tĩnh.
"Trung Quốc đã từng trải qua đại dịch SARS tương tự như hiện nay, nhưng họ đã sớm dập tắt được nó. Họ có tiềm lực để phát triển một loại vaccine ngăn ngừa virus corona, thế mạnh của Trung Quốc trong ngành sản xuất và dược phẩm sẽ giúp họ giải quyết được thảm họa này.
Cha mẹ tôi đã rất lo lắng sau khi nghe tin về dịch bệnh. Tôi gọi video trò chuyện với họ mỗi ngày để giúp họ yên tâm. Nhiều sinh viên đã chọn ở lại đây như tôi. Tình hình hiện tại yêu cầu tôi phải tuân thủ một số quy tắc chung. Khi đi mua đồ, nhân viên siêu thị sẽ kiểm tra nhiệt độ của tôi, những biện pháp này là cần thiết và quan trọng. Tôi tin rằng tất cả tình trạng khẩn cấp này sẽ sớm kết thúc. Cố lên Vũ Hán. Cố lên Trung Quốc”, Mirjamilov chia sẻ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, đại dịch Covid-19 không còn là “cơn đau đầu” của riêng Trung Quốc mà nó đã trở thành vấn nạn chung của tất cả các quốc gia thế giới. Hệ lụy mà dịch bệnh này gây ra đã ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống như kinh tế, văn hóa, giáo dục và du lịch và không ai nằm ngoài tác động của nó. Nhưng tâm lý lo sợ virus, kỳ thị đám đông chắc chắn sẽ không giúp tạo ra “liều vaccine” để giải quyết vấn đề, điều cần nhất lúc này đó chính là thái độ tích cực, lạc quan cùng tinh thần đoàn kết của từng cá nhân và quốc gia để giúp thế giới vượt qua dịch bệnh chết chóc này.