Chiều 3/8, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình đã thông tin với báo chí về những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.
Trả lời câu hỏi về việc trước khi xảy ra sự việc, ông Bùi Trọng Đắc khẳng định điểm thi của các thí sinh là khách quan, trung thực, không có gì bất thường và sẵn sàng mời Bộ GD-ĐT về thanh - kiểm tra, chấm lại toàn bộ bài thi, ông Đắc phân trần:
"Với trực quan của mình lúc đó, tôi nghĩ tôi có thể nói như thế được vì tôi tin tưởng vào anh em. Sau khi kết thúc kỳ thi, lãnh đạo sở đã mời các cá nhân ở bộ phận chấm trắc nghiệm, tự luận lên. Họ khẳng định với lãnh đạo Sở là hoàn toàn yên tâm về kết quả bài thi và chịu trách nhiệm trước ban lãnh đạo. Vì vậy, tôi đã khẳng định kỳ thi nghiêm túc".
Ông Đắc cũng khẳng định "không hề có sự che giấu nào ở đây vì chúng tôi đã chủ động báo cáo lên các cấp lãnh đạo. Sự việc xảy ra tôi thấy buồn, áy náy".
Ông Đắc xin lỗi phụ huynh, học sinh vì để xảy ra sự việc này và cho rằng, bản thân Sở GD-ĐT Hòa Bình cũng chưa biết được có bao nhiêu cá nhân liên quan đến việc này.
Trước đó, như VnMedia đã đưa tin, sau khi dư luận lên tiếng nghi ngờ về kết quả thi THPT Quốc gia ở Hòa Bình Ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Điểm thi THPT quốc gia 2018 của các em học sinh ở Hòa Bình thể hiện đúng trên bài thi của các em. Tôi chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND và Bộ trưởng GD-ĐT về việc này. Chúng tôi sẵn sàng chủ động mời Bộ về thanh tra, kiểm tra và mời Cục Khảo thí và Quản lý chất lượng về chấm lại toàn bộ bài thi của tỉnh Hòa Bình".
Ông Đắc cũng khẳng định "kết quả thi cao như vậy không có gì đột biến" mặc dù Hòa Bình có hơn 8.900 thí sinh dự thi môn toán nhưng có tới 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, chiếm tỉ lệ 0,3%, cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của cả nước là 0,06%. Ở Hà Nội là 0,1%, ở TP. HCM là 0,04%.
Bên cạnh đó, số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên của Hòa Bình là 27 em, tương đương với số điểm 9 trở lên của TP. HCM và chiếm 4,7% cả nước tuy trước đó, trong kỳ thi 2017, số thí sinh được điểm 9 trở lên môn toán của Hòa Bình chỉ chiếm 0,46% cả nước.
Ở môn Vật lý và Hoá học, kết quả cũng tương tự như vậy khi điểm thi của Hòa Bình cũng cao hơn các thành phố nằm trong nhóm có điểm trung bình các môn thi này cao nhất cả nước như TP. HCM, Nam Định...
Ngoài ra, nếu xét theo khối thi A1 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), cả nước có 82 thí sinh đạt mức điểm 27 trở lên, tức trung bình mỗi môn 9 điểm thì Hòa Bình cũng "đóng góp" 9 thí sinh trong danh sách này, chiếm 11%.
Đây cũng là một trong những tỉnh có số lượng thí sinh đạt mức điểm từ 27 trở lên cao vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội chỉ có 4 thí sinh (chiếm 4,88%), TP. HCM và Nam Định chỉ có 2 thí sinh, chiếm 2,44%.
Một điểm cũng đặc biệt đáng chú ý, đó là Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục sau đó đã rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên để chấm thẩm định. Tuy nhiên, theo công bố của Tổ công tác, kết quả cho thấy 100% bài thi trùng khớp kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với mức do Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình công bố ngày 11/7.
Trả lời báo chí về điều khó hiểu nói trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT giải thích: "Sai phạm ở đây thể hiện trên chính bài làm của thí sinh trước đó, do đó tổ thẩm định không phát hiện được là hết sức bình thường.
Ông Trinh cũng nhấn mạnh: "Sai phạm của Hòa Bình rất nghiêm trọng và thậm chí có những hành động tinh vi và xảo quyệt hơn Hà Giang, Sơn La."
“Tôi rất bất bình và tuyệt đối không dung túng cho các sai phạm vừa qua. Những sai phạm vừa qua cho thấy sự sai phạm này có ý đồ và có tổ chức, và họ đã vô hiệu hóa quy trình thi vốn rất nghiêm ngặt.” - ông Trinh thông tin.